Cuối năm 2020 là hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại (NHTM) phải niêm yết cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có thời điểm các cổ phiếu ngân hàng đã giảm xuống ở mức thấp nhất trong 5 năm qua khiến nhiều ngân hàng tiếp tục lần lữa việc lên sàn. Một số ngân hàng khác lại có kế hoạch chuyển sàn để kỳ vọng gia tăng dòng tiền đầu tư.
Rào cản từ dịch Covid-19
Mặc dù còn khoảng 6 tháng nữa là hạn chót các NHTM phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 2-2020, nhưng hiện còn hơn chục NHTM vẫn chưa lên sàn. Trong năm 2019, rất nhiều ngân hàng đề ra mục tiêu niêm yết cổ phiếu, nhưng chỉ có VietBank chính thức đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn UPCoM.
Theo thống kê, hiện mới có 18 trong tổng số 31 NHTM tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng vẫn rất trầm lắng, hiện không ít các ngân hàng đã thay đổi lộ trình. Cụ thể, mặc dù cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng) lên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) với mã chứng khoán MSB, nhưng kế hoạch này đã hoãn lại.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 5-2020, Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ đăng ký niêm yết lần một tại HoSE và quyết định thời điểm khởi động lại việc thực hiện niêm yết cổ phiếu ở thời điểm thị trường thuận lợi. Lãnh đạo MSB giải thích, cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn nên chưa xử lý kịp. Sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng như các DN trên sàn bị ảnh hưởng nặng nề. Với VN-Index liên tục sụt giảm, có đến 94% cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó có những cổ phiếu giảm hơn 30% giá trị trên thị trường, nên MSB đã quyết định tạm hoãn niêm yết vì niêm yết vào thời điểm đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cổ đông. Tuy nhiên, HĐQT MSB cũng cam kết sẽ niêm yết trong năm nay, khi thị trường thuận lợi.
Tương tự, tại đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 5, SCB cũng đã thông qua phương án đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, SCB dự kiến niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán sau năm 2022 vì theo HĐQT ngân hàng này, lúc đó sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc “chốt” room ngoại khi năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh mạnh hơn. Như vậy, kế hoạch lên sàn của SCB sẽ trễ hơn khoảng 2 năm so thời gian quy định của cơ quan quản lý. ABBank cũng đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HoSE, nhưng tại đại hội đồng cổ đông vào tháng 6-2020, ABBank cũng đã báo cáo việc thay đổi lộ trình kế hoạch niêm yết do chuyển trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội.
OCB và NamA Bank cũng đã có kế hoạch niêm yết trên sàn 2 - 3 năm trước nhưng đến nay vẫn lỗi hẹn với lý do đang chờ điều kiện thuận lợi để mang lại lợi ích cho cổ đông. Lãnh đạo OCB cho biết, mặc dù có kế hoạch lên sàn HoSE vào đầu năm 2020, nhưng trước bối cảnh dịch Covid-19 tác động lên thị trường nên chưa thể thực hiện.
Kỳ vọng thu hút đầu tư
Quyết định 32/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở hợp nhất HoSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhằm thống nhất hoạt động của thị trường chứng khoán. Theo đó, từ 2020-2023, dự kiến thị trường cổ phiếu chuyển sẽ do HoSE quản lý, trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh do HNX quản lý. Chính vì thế, các NHTM niên yết cổ phiếu trên sàn HNX đang rục rịch kế hoạch chuyển sàn. Cụ thể, ACB và SHB vừa trình cổ đông và được chấp thuận, thông qua kế hoạch chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE.
Chia sẻ về quyết định này, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho rằng việc chuyển sàn sẽ giúp tăng giá trị thị trường của cổ phiếu và đem lại nhiều lợi ích hơn cho cổ đông. Vì sau khi chuyển sàn, khả năng cao cổ phiếu ACB sẽ được lọt vào các rổ chỉ số chính của HoSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VN Diamond (10%), VNFIN Lead (12%), VNFIN Select (12%)… Về lộ trình chuyển sàn, theo ông Toàn, ACB sẽ chia cổ tức để tăng vốn điều lệ trước (dự kiến thực hiện trong tháng 9-2020), sau đó tháng 11 hoặc 12 -2020 sẽ chuyển sàn. Lãnh đạo SHB cũng cho biết, nguyên nhân chuyển sàn nhằm đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán. Thời điểm chuyển niêm yết cụ thể cùng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã được đề nghị ủy quyền cho HĐQT quyết định.
Ngoài ra, kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE trong năm 2020 dự kiến cũng được HĐQT Ngân hàng VIB và LienVietPostBank trình cổ đông thông qua trong đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây. Theo lãnh đạo VIB, mặc dù cổ phiếu VIB nhiều năm qua được các nhà đầu tư săn đón, nhưng nhiều tổ chức và các quỹ đầu tư lớn chưa thể đưa VIB vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên UPCoM. VIB kỳ vọng sau khi chuyển sàn, cổ phiếu ngân hàng này sẽ được đưa vào danh mục đầu tư, từ đó tăng giá trị của cổ phiếu trên thị trường. LienVietPostBank cũng cho biết, việc chuyển sàn nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế; đồng thời tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.