Cổ phiếu trên 100.000 đồng chào sàn
Sau HDBank và TPBank, ngày 4-6, thị trường chứng khoán vừa đón thêm “tân binh” là NHTM cổ phần Kỹ thương (Techcombank - TCB) lên sàn HoSE với giá cổ phiếu (CP) chào sàn lên đến 128.000 đồng/CP.
Với giá chào này, Techcombank trở thành NH có giá trị vốn hóa đứng thứ 2 trong số các NH niêm yết trên sàn, ở mức 149.000 tỷ đồng, đứng sau Vietcombank có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nhiều năm, dòng CP NH mới có mã CP đạt thị giá (giá trên thị trường) trên 100.000 đồng.
Lý giải về giá tham chiếu khi lên sàn 128.000 đồng/CP, cao hơn nhiều so với các CP NH đang niêm yết; đặc biệt, gấp đôi so với CP Vietcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, cho rằng mức giá này được xác định trên cơ sở chào mua của các tổ chức, quỹ, cũng như cung cầu trên thị trường thông qua đợt IPO vừa qua, chứ NH không chủ động đưa ra.
Vào đầu tháng 5-2018, Techcombank cũng có đợt IPO (phát hành CP ra công chúng lần đầu) chào bán 164 triệu CP với mức giá 128.000 đồng/CP, thu về gần 922 triệu USD, tạo kỷ lục mới trong các đợt IPO của các NHTM ở Việt Nam. Các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài đặt mua gấp 4 lần lượng chào bán của Techcombank.
Lợi nhuận quý 1-2018 của nhiều NH tăng mạnh so với cùng kỳ, nên thị trường kỳ vọng CP NH còn dư địa tăng. Ảnh: HUY ANH
Nhiều quỹ đầu tư trên thế giới xác định giá trị doanh nghiệp của Techcombank vào khoảng 6,2 - 6,5 tỷ USD. Do đó, mức giá này là hợp lý, vì tính theo chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách của cổ phiếu) hay P/E (thị giá thu nhập trên mỗi CP), mức giá 128.000 đồng/CP là phù hợp.
Hơn nữa, sau khi lên sàn, Techcombank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường trong tháng 6 này để trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 3 lần hiện tại (từ 11,7 ngàn tỷ đồng, lên gần 35 ngàn tỷ đồng). Theo đó, các cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách được chia cổ tức bằng CP lên đến 200%.
Với mức vốn điều lệ mới dự kiến là 34.965 tỷ đồng, cổ đông sẽ nhận được thêm CP với tỷ lệ 1:2 (mỗi CP hiện tại sẽ nhận thêm 2 CP mới), giá CP Techcombank sẽ điều chỉnh kỹ thuật giảm tương ứng, khoảng trên 40.000 đồng/CP.
Sau Techcombank, hàng loạt NH cũng đã có kế hoạch lên sàn, như NH Phương Đông (OCB) dự kiến cuối quý 3 hoặc đầu quý 4-2018 sẽ niêm yết thẳng trên HOSE, bỏ qua việc niêm yết trên sàn UpCOM như dự định trước đây.
Mặc dù giá niêm yết dự kiến chưa công bố, nhưng hiện mức giá CP của OCB trên sàn OTC đã tăng mạnh trong thời gian qua, từ 7.000 đồng/CP trong năm 2017, lên trên 25.000 đồng/CP (giá hiện đang giao dịch trên thị trường).
Lãnh đạo NH Quốc tế (VIB) cũng cho biết đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm 2018, nhằm giúp nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB.
Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cũng đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch tại sàn UpCOM. Trong khi đó, MaritimeBank cho biết sẽ niêm yết trên sàn trong năm 2019, và LienVietPostBank dự kiến niêm yết trên sàn CK trước năm 2020…
Còn dư địa tăng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra thời hạn lên sàn cho các NH là năm 2016 nhằm tăng tính minh bạch.
Tuy nhiên, trong số 31 NHTM chỉ mới 11 NH niêm yết trên sàn chính thức và 4 NH niêm yết trên sàn giao dịch tập trung UpCOM. Sở dĩ các ngân hàng trễ hẹn lên sàn nhiều năm do đang trong giai đoạn tái cơ cấu...
Tuy nhiên, khi thị trường CK tăng trưởng mạnh; trong đó, không ít CP NH đã tăng 30% - 70% trong hơn 1 năm qua, là một trong những nguyên nhân tạo nên làn sóng lên sàn của các NH.
Hiện thị trường CK Việt Nam đang điều chỉnh sau năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng mạnh, trong đó các CP NH cũng đã giảm 30% - 50% so với đỉnh (đầu tháng 4-2018), nhưng với kỳ vọng thị trường CK tiếp tục khởi sắc, cũng như CP NH dường như đã lấy lại vị thế “cổ phiếu vua”, nên là động lực để các NH tăng tốc lên sàn.
Chia sẻ về việc chào sàn trong giai đoạn này, liệu có ảnh hưởng đến giá CP sau khi lên sàn? Ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, mặc dù năm 2017 thị trường CK tăng mạnh và CP NH khởi sắc, song thời điểm đó vẫn chưa thích hợp.
2018 được đánh giá là năm đầy sôi động của thị trường CK Việt Nam khi kinh tế đất nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, nên đây là thời điểm thích hợp để Techcombank niêm yết sau gần 2 năm chuẩn bị, nhằm mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông.
Mặc dù CP TPB của TPBank lên sàn trong “tâm bão”, bị điều chỉnh theo sóng giảm, nhưng lãnh đạo TPBank lạc quan cho rằng, năm 2018, thị trường CK được nhà đầu tư quan tâm và đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Dòng tiền đang đổ vào thị trường, hướng đến các định chế tài chính, trong đó có dòng CP NH vì đây là dòng CP luôn trong nhóm dẫn dắt điểm cho thị trường CK Việt Nam.
Dù thị trường CK điều chỉnh mạnh trong tháng 5-2018, kéo theo sự giảm giá các CP NH, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, CP NH vẫn còn dư địa tăng.
Đó là nợ xấu tại nhiều NH đã giảm mạnh, do quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn. Nghị quyết 42 của Chính phủ quy định các NH được bán nợ theo giá thị trường nên đầu ra nợ xấu ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, năm 2018, mức tăng trưởng về lợi nhuận được nhiều NH đặt ra lên đến 70% - 80% và thực tế cho thấy, quý 1-2018, nhiều NH đã báo lãi rất tốt. Với những chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh của ngành NH và sức hút của nhóm CP “vua” trên thị trường CK, việc kêu gọi vốn của các NH đang thuận lợi hơn so với trước đây.
VN-Index ngày 6-6 tiếp tục bứt phát nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn và CP ngân hàng, kéo VN-Index vượt 1.030 điểm. Mặc dù đầu phiên, thị trường có áp lực chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index giảm 10 điểm so với tham chiếu, nhưng sau đó lực mua hấp thụ nhanh hơn lượng hàng bán ra nên VN-Index nhanh chóng tăng gần 12 điểm, từ mức giảm 10 điểm. Hàng loạt mã CP trụ tăng mạnh như: MWG tăng 6,9%, GAS tăng 4,26%, VIC tăng 2,48%. Nhóm CP ngân hàng sau khi mở phiên sáng giảm điểm thì quay đầu tăng mạnh cho đến cuối phiên, như BID tăng 4,6%, ACB tăng 3,84%, CTG tăng gần 2%... Trong khi đó, ở chiều ngược lại, CP TCB tiếp tục giảm giá và đóng cửa ở mức 92.000 đồng/CP, giảm 28% so với giá 128.000 đồng/CP trong phiên chào sàn ngày 4-6. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,76 điểm (1,15%) lên 1.034,5 điểm với 162 mã CP tăng giá, 126 mã CP giảm giá và 73 mã CP đứng giá.
Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 2,23 điểm (1,89%) lên 120,42 điểm với 85 mã CP tăng giá, 85 mã CP đứng giá và 210 mã CP đứng giá. Thanh khoản đạt 48,6 triệu CP với giá trị gần 736 tỷ đồng. Sàn có 85 mã tăng, 61 mã tham chiếu và 85 mã giảm điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên hôm trước, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 221,7 triệu CP, tương ứng mức giá trị đạt 5.961 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 741,4 tỷ đồng.
HẠNH NHUNG