Tiếp tục thông tin về sự cố tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 (NĐ 67), đã đăng trên báo SGGP số ra các ngày 27-5, 7-6, mới đây, nhiều ngư dân có tàu vỏ thép ở Bình Định cho biết đang hết sức khốn đốn vì sổ đỏ bị ngân hàng nắm giữ, không trả.
Sổ đỏ bị ngân hàng giữ
Mới đây, 2 ngư dân là Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (cùng trú tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phản ánh việc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh số 66C, đường Lê Duẩn, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã “gài bẫy” họ.
Ngư dân Trương Hoài Khánh (42 tuổi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99279-TS, được đóng theo NĐ 67) cho biết, sau khi ký hợp đồng đóng tàu với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ông Khánh liên hệ với ngân hàng để ký hợp đồng vay vốn thì các nhân viên Ngân hàng Vietcombank yêu cầu phải làm đơn tự nguyện thế chấp cả con tàu đóng mới và sổ nhà đất/tài sản trên đất. Vợ chồng ông Khánh không đồng ý, các nhân viên hướng dẫn của ngân hàng bỏ về vì cho rằng vợ chồng không có tâm.
Tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng, nằm bờ trong khi sổ đỏ của chủ tàu bị ngân hàng giữ
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, vợ ông Khánh, tường trình: Đến 3 tháng sau, ngân hàng không chịu giải ngân để chúng tôi lấy kinh phí đóng tàu. Lúc này, bên Công ty Nam Triệu qua nói với vợ chồng tôi cứ đem sổ đỏ thế chấp đi, đóng xong tàu thì mình đem giấy tờ tàu qua, họ sẽ trả lại sổ đỏ. Thế là chúng tôi đồng ý vì nghĩ rằng ngân hàng chỉ giữ sổ để “làm tin”.
Sau khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục của ngân hàng bao gồm thế chấp toàn bộ con tàu vỏ thép đóng mới được hình thành từ vốn vay và vốn tự có; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất lô đất số 54, Phạm Cự Lượng (TP Quy Nhơn, Bình Định), ngân hàng bắt đầu giải ngân 17,7 tỷ đồng (tương ứng với 94% giá trị con tàu) để đóng tàu. Con tàu hạ thủy vào ngày 20-9-2016, vươn khơi đánh bắt được 6 chuyến thì liên tục hư hỏng, việc đánh bắt thua lỗ nặng; ngược lại, sổ đỏ bị ngân hàng giữ không trả, nợ cũ chưa kịp trả nay lại “cõng” thêm nợ mới, chủ tàu quẫn bách.
“Từ trước đến nay, chúng tôi đã gửi hàng chục lá đơn cầu cứu khắp nơi nhưng đành bất lực, giờ tâm trí lo lắng không yên, tàu lại hỏng suốt, không còn sức ra biển nữa…”, bà Ngọc tâm tư.
Không trả sổ đỏ
Đem những khúc mắc của ngư dân đến trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP Quy Nhơn. Ông Nguyễn Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Vietcombank tại Bình Định, cho biết: Nghị định 67 không bắt buộc các ngư dân phải thế chấp thêm sổ đỏ, nhưng cũng không có quy định nào ngăn cấm việc chủ tàu tự nguyện thế chấp sổ nhà đất. Các ngư dân đã làm đơn tự nguyện thế chấp và đã ký vào đơn ấy.
Đối với ngư dân Trần Văn Hạo (chủ tàu vỏ thép BĐ-99029-TS), anh Hạo đã không hoàn thành nghĩa vụ trả tiền lãi, cộng với tiền gốc theo từng đợt, thành ra quá hạn đã lâu, nay trở thành nợ xấu lên đến gần 1 tỷ đồng. Còn ông Trương Hoài Khánh (tàu vỏ thép BĐ 99279-TS) cũng đã quá hạn tiền lãi của ngân hàng.
“Bây giờ chúng tôi trả sổ đỏ cho ngư dân thành ra chúng tôi làm trái với pháp luật, nợ xấu còn trả lại tài sản thế chấp sao? Với lại, dù gì thì các anh phải hoàn thành nghĩa vụ đã, chứ giờ nợ xấu, nợ quá hạn làm sao chúng tôi xem xét, đề xuất được! Còn về chuyện tàu hỏng hóc, gặp sự cố khi mới hạ thủy đánh bắt, thua lỗ dẫn đến quá hạn lãi suất ngân hàng thì phải trình bày cụ thể, phải có cơ quan thẩm quyền xác nhận chuyện đó chứ”, ông Ngọc phân trần.
Việc các chủ tàu phản ánh việc bị nhân viên ngân hàng “gài bẫy”, ép họ phải thế chấp sổ đỏ, ông Ngọc lý giải: “Trước khi có chuyện ấy, nếu chủ tàu không đồng tình sao không phản ánh lên các cấp cao hơn hoặc có thể đề xuất để được vay vốn ngân hàng khác, giờ rút tiền rồi lại phản đối như thế là không đúng. Với lại, sổ nhà đất của họ may lắm hơn 2 tỷ đồng chứ mấy, có đáng gì với số tiền 17,7 tỷ đồng mà chúng tôi cho vay đâu. Tiền đó chúng tôi cũng phải huy động từ dân chứ đâu ra…”
Có dấu hiệu lừa dối, cưỡng ép trong giao dịch dân sự
Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật Công Khánh, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, nêu ý kiến: Theo điểm đ, Khoản 1, Điều 4, Nghị định 67/2014 (7-7-2014), chủ tàu được thế chấp con tàu được đóng mới hình thành từ khoản vay để bảo đảm mà không phải kèm theo điều kiện thế chấp bổ sung khác. Việc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quy Nhơn yêu cầu/hướng dẫn cho các chủ tàu lập hợp đồng thế chấp thêm “sổ đỏ” là không đúng với tinh thần hỗ trợ ngư dân vùng biển, vượt quá phạm vi điều chỉnh của Nghị định 67 của Chính phủ nhằm hỗ trợ, phát triển nghề biển, mong muốn ngư dân vươn khơi bám biển.
“Hành vi yêu cầu/hướng dẫn ngư dân thế chấp thêm sổ đỏ để đảm bảo cho khoản vay như phản ánh của ngư dân có dấu hiệu của việc lừa dối, cưỡng ép trong giao dịch dân sự giữa một bên là bên cho vay (Ngân hàng Vietcombank) và bên còn lại là người vay (ngư dân - chủ tàu)”.