Theo báo cáo về tình trạng khí hậu châu Âu vừa được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố, trong 3 thập niên qua, mức độ ấm lên tại châu Âu cao gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Báo cáo được công bố trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa đưa ra cảnh báo ngân hàng vẫn chưa quyết liệt đưa khí hậu vào chính sách tiền tệ của mình mặc dù các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đã đồng thuận về những rủi ro khí hậu đối với sự ổn định tài chính.
Trong quá trình đánh giá cách mà 186 ngân hàng (hiện đang nắm giữ tổng tài sản 25.000 tỷ EUR) quản lý rủi ro khí hậu, phân bổ vốn để giải quyết các rủi ro khí hậu cụ thể, WMO đã cảnh báo những thiếu sót trong xác định rủi ro, chiến lược và tuân thủ các cam kết. Hầu như tất cả các hội đồng quản trị vẫn không biết những rủi ro này sẽ phát triển như thế nào theo thời gian, mức rủi ro chính xác mà ngân hàng có thể chấp nhận và hành động nào để kiềm chế rủi ro quá mức.
Nền kinh tế cần các ngân hàng ổn định, đặc biệt là khi nó trải qua quá trình chuyển đổi xanh. Các ngân hàng phải có khả năng xác định, đánh giá, kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro không thể tránh khỏi từ các cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, hơn một nửa số ngân hàng đã đưa ra các chính sách xanh hoặc cam kết xanh nhưng chưa thực hiện. Còn nhiều khách hàng gây ô nhiễm khét tiếng vẫn được miễn trừ khỏi các chính sách này. Một số ngân hàng đã phớt lờ những cảnh báo rõ ràng từ chuyên gia, dẫn tới nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên bảng cân đối kế toán, đặc biệt là khi họ công khai đưa ra các tuyên bố xanh.
Báo Financial Times dẫn nhận định của ông Frank Elderson, Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát Ngân hàng trung ương châu Âu, cho rằng: “Có quá nhiều ngân hàng vẫn đang hy vọng vào điều tốt nhất trong khi không chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Các ngân hàng cần hành động cẩn thận, chính xác, đầy đủ và hoàn chỉnh, để mỗi ngân hàng và hệ thống tài chính châu Âu trở nên linh hoạt hơn, được trang bị tốt hơn cho một nền kinh tế đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường cũng như cho quá trình chuyển đổi xanh. Hầu hết các ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch phân bổ thêm vốn cho những khách hàng không còn nguồn thu bền vững do quá trình chuyển đổi xanh (loại bỏ dần các hoạt động sản xuất liên quan đến nhiệt điện than).
Khả năng ứng phó của các ngân hàng trung ương với những rủi ro về biến đổi khí hậu vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. ECB hy vọng các ngân hàng sẽ phân loại đầy đủ các rủi ro khí hậu và đánh giá tác động của chúng đến các hoạt động ngân hàng vào tháng 3-2023, trước kỳ sát hạch của ECB. Theo ECB, các ngân hàng cần điều chỉnh trước khi quá muộn. Các lộ trình cần phải cụ thể để duy trì một mô hình kinh doanh có khả năng phục hồi. Nếu không, theo cảnh báo của ECB, các ngân hàng sẽ không giải quyết được rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu trong 2 năm tới.