Lãi kỷ lục
Ngân hàng đầu tiên có lãi trong năm 2017 vượt mốc chục ngàn tỷ đồng là Vietcombank, đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2016. Xếp thứ hai là VietinBank với mức lợi nhuận đạt hơn 9.200 tỷ đồng - cũng là mức cao nhất trong lịch sử kinh doanh hơn 30 năm của ngân hàng này. Tương tự, BIDV cũng có lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 kỷ lục từ trước đến nay - 8.800 tỷ đồng. VPBank tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế tương đương 8.126 tỷ đồng và 6.438 tỷ đồng…
So với các ngân hàng lớn, mặc dù con số lợi nhuận tuyệt đối trong năm 2017 của các ngân hàng nhỏ còn khiêm tốn nhưng cũng đã tăng vài chục đến hơn 100% như: Kienlong Bank có lợi nhuận trước thuế tăng tới 71% so với năm 2016, đạt 259,5 tỷ đồng. ABBANK cũng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới 115%, với 619 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. VietBank cho biết đã xóa lỗ lũy kế mấy năm trước đó và đạt lợi nhuận trước thuế là 263 tỷ đồng…
Hội tụ nhiều yếu tố
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong năm 2017 với nhiều điểm sáng là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trước tiên là tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh, GDP tăng 6,81% và tăng trưởng tín dụng toàn ngành cải thiện đáng kể, đạt ở mức cao 18,78%. Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng ở mức kịch trần, 19% - 20%, nên thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, lợi nhuận ngân hàng còn có sự đóng góp đáng kể từ mảng bán lẻ, nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng cũng tăng.
Lãnh đạo VPBank cho biết, năm 2017, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.448 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2016; góp phần đưa mức tăng trưởng lợi nhuận của VPBank đạt tốp 5 toàn ngành. Sacombank mặc dù đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng lợi nhuận năm 2017 cũng tăng mạnh, không chỉ do hoạt động cho vay tăng mà thu dịch vụ cũng tăng mạnh. Đặc biệt, trong quý 4-2017, thu dịch vụ của Sacombank đạt 920 tỷ đồng, gần bằng với mức hơn 1.000 tỷ đồng thu lãi từ cho vay.
Một yếu tố góp vào bức tranh sáng của ngân hàng trong năm 2017 là các khó khăn sau khi thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011- 2015 đã được khắc phục, tạo đà cho các ngân hàng hoạt động kinh doanh phát triển.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm trước đây, không ít lợi nhuận của ngân hàng bị “ăn mòn” vì tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý. Cụ thể, mặc dù thu nhập lãi thuần của Eximbank trong năm 2017 giảm so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng vọt - đạt hơn 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,8 lần năm 2016 và đạt 186% kế hoạch. Trong đó, lãi từ hoạt động khác (bao gồm thu nợ đã xử lý rủi ro, hoạt động mua bán nợ…) tăng đột biến - đạt 431 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm 2016. Tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank sau nhiều năm mới trở lại trên 1.000 tỷ đồng, có nguyên nhân lớn nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh. Chi phí dự phòng của ngân hàng này năm 2017 chỉ 604 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1.089 tỷ đồng năm 2016.
“Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy vì hoạt động xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, giúp ngân hàng có nguồn hoàn nhập dự phòng đáng kể”, lãnh đạo Eximbank cho hay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng mạnh, vươn lên mốc 1.000 tỷ đồng trước thuế là nhờ kiểm soát được chất lượng khoản vay, hạn chế nợ xấu và giảm dự phòng rủi ro.
Đánh giá về tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, các chuyên gia trong ngành cho rằng, nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng được cải thiện, nợ xấu dần được xử lý, đặc biệt Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực trong năm 2017, là các yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong năm qua cũng như trong những năm tới.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã có báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng năm 2017: So với năm 2016, lợi nhuận sau thuế ước tăng 44,5%. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%). Lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1%, chiếm 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh (năm 2016 chiếm 76,4%). Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ước tăng từ 2,74% (năm 2016) lên gần 3%. Các hoạt động kinh doanh khác như góp vốn mua cổ phần tăng khoảng 3,4 lần.
Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ước tính tăng 30,9%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 20,2%; tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với lợi nhuận trước trích lập là 53,6% (năm 2016 là 58,2%).