Đổi mới và mở cửa
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu dưới các hình thức mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài, góp vốn, liên doanh với ngân hàng trong nước, mở chi nhánh và mở văn phòng đại diện. Thế nhưng việc mở ngân hàng con 100% vốn hay mở chi nhánh, văn phòng đại diện thì với thủ tục hiện nay không đơn giản, tốn rất nhiều thời gian. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh nhưng ngại đầu tư, không chiếm được thị phần trong nước. Ngay việc đầu tư dưới hình thức góp vốn, liên doanh của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng trong nước cũng có nhiều hạn chế. Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ trong tổ chức tín dụng Việt Nam; tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Việt Nam. Quy định này không hấp dẫn nhà đầu tư ngoại và không góp phần cải tiến, chuyển giao công nghệ, quản trị được vì nhà đầu tư nước ngoài vẫn không nắm được cổ phần chi phối để quyết định chiến lược đầu tư phát triển.
Do vậy, ngay cả một số phi vụ có sự thiện chí của một số nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam trước đây cũng chẳng có thương vụ nào thành công. Điển hình là vụ Tập đoàn UOB đàm phán mua lại GPBank nhưng không thành công. Và đến giờ, GPBank cũng nằm trong diện bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo hướng chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Các Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng Đông Á (DongABank) đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Các “ngân hàng 0 đồng” đang được cơ cấu hợp lý và có giá trở lại. Đây là giải pháp tốt nhất vì khi mua lại ngân hàng yếu kém trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có đủ quyền để tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững một cách nhanh chóng nhất vì mạng lưới, khung sườn đã có sẵn.
Thị trường tài chính sẽ sôi động
Việc phát triển ngành tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trong giai đoạn mới cần phải có sự đổi mới, năng động và hiện đại hơn. Do vậy, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, đặc biệt trong nỗ lực vực dậy các ngân hàng yếu kém hiện nay. Và việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại các ngân hàng yếu kém sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Được biết, hiện rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn ngắm tới các tổ chức tín dụng trong nước. Vừa qua, Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) đề xuất trả cho Agribank hơn 500 tỷ đồng để mua lại toàn bộ vốn Công ty cho thuê tài chính I của Agribank. Nếu hoạt động này diễn ra thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâm nhập sâu vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.
Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng được sửa đổi theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã thâu tóm các ngân hàng yếu kém và được quyền chủ động trong kinh doanh, chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các ngân hàng trong nước. Nếu ngân hàng trong nước không đổi mới kịp thời thì rủi ro “thua trên sân nhà” là không tránh khỏi.