Gia cố cầu treo, cầu tạm
Mùa mưa bão năm ngoái, cây cầu treo bắc qua sông Đắk Bla (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) bị cuốn trôi, ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển của người dân. Từ khi sự việc xảy ra, ngành chức năng huyện Kon Rẫy đã bố trí thuyền để người dân đi tạm. Hiện địa phương cũng cho tu bổ 2 con đường vòng để người dân đi tạm ra huyện. Tuyến đường huyện DH 22 đi xã Đắk Pne (xã Đắk Pe, huyện Kon Rẫy), nơi có cây cầu sắt bị cuốn trôi vào đợt mưa bão năm 2020 khiến hàng trăm hộ bị cô lập, hiện được khắc phục tạm bằng cách lắp cầu giàn sắt thay thế.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kon Rẫy, cho biết, việc lắp tạm khung giàn sắt và bố trí thuyền, tu bổ đường tạm cho người dân đi lại trên 2 cây cầu từng bị cuốn trôi chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh cho xây cầu mới kiên cố và HĐND tỉnh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng mới 2 cây cầu bê tông.
Vòng qua xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, nơi có 2 cầu treo tạm nằm ở các thôn Đắk Kơ Đương và Krông Đuôn, xây dựng bằng ván gỗ và dây sắt nhỏ, chủ yếu để người dân và học sinh đi bộ qua lại, ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đắk Psi, thông tin, mưa bão năm 2020 đã cuốn bay 2 cầu này. Xã đã huy động nhân dân khôi phục lại và việc sữa chữa cũng đã hoàn thành. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay ở 2 cây cầu này, vào đầu mùa mưa, xã đã giao cộng đồng thôn gia cố mặt cầu, bảo dưỡng cáp, đan lưới, chằng néo lưới sắt B40. Về lâu dài xã mong muốn xây cầu kiên cố để người dân có thể đi lại an toàn và chở được nông sản.
Ngược về tỉnh Đắk Lắk, ghi nhận tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui (huyện Krông Bông), cây cầu gỗ nối thôn Ea Bar với buôn Tâng Rang, xã Cư Đrăm đã xuống cấp trầm trọng. Các thanh ván trên cầu đã bị mục, gãy, bong ra khỏi nền cầu, lộ ra nhiều khoảng trống rộng hơn 20cm, rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết, cầu Ea Bar được làm từ nhiều năm trước. Mùa mưa năm ngoái, nước lũ cuốn cây cầu này, khiến người dân ở 2 thôn, buôn bị chia cắt, nhiều học sinh không đến trường được. Sau đó chính quyền địa phương đã khắc phục, sửa chữa lại cầu nhưng cũng chỉ là tạm thời.
Khắc phục, ứng phó sạt lở
Tuyến đường liên xã Nam Ka - Ea R’Bin (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài khoảng 17km. Địa hình con đường rất phức tạp với nhiều khúc cua gấp, phía taluy dương là các triền núi, bên taluy âm là vực sâu hơn chục mét. Do đó, vào mùa mưa, nước từ các ngọn núi đổ về gây sạt lở, đe dọa tính mạng người đi đường. Những năm qua, nơi đây đã nhiều lần xảy ra sạt lở, người dân bị cô lập. Hiện tại, trên tuyến đường đang có nhiều điểm hư hỏng, và đơn vị chức năng đang tập trung sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Tiếp tục vòng qua quốc lộ 26 - tuyến giao thông trọng điểm kết nối tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Khánh Hòa, hiện nay con đường này đang được nâng cấp mở rộng. Để đảm bảo giao thông, tránh các sự cố trước mùa mưa bão, nhân viên của Chi cục Đường bộ III.5 liên tục tuần tra, đánh giá những điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở, lên phương án xử lý trước thời điểm mùa mưa.
Tại đường tránh đèo Măng Rơi (nối huyện Đắk Tô đến huyện Tu Mơ Rông, cùng thuộc tỉnh Kon Tum), hiện taluy dương nhiều đoạn bị sạt lở, đất đá đổ xuống đường. Một số vị trí, mặt đường bong tróc và ngành chức năng đang huy động máy móc, xe cộ chở vật liệu đến khắc phục.
Không chỉ sửa chữa các tuyến đường đang sạt lở, các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng khắc phục sự cố khi thiên tai xảy ra. Ông Thân Văn Duyên, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đơn vị đã lên phương án xử lý cho từng trường hợp cụ thể, tập kết vật tư dự phòng tại các nhà hạt để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo ông Đoàn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, sở tập trung đẩy nhanh công tác thi công, sửa chữa các tuyến đường để hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2021. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đường bộ, cầu cống, đặc biệt là công trình xây dựng, phát hiện các sự cố để có phương án xử lý kịp thời ngay từ đầu, không để sự cố phức tạp thêm…
Đối với các tuyến đường do các địa phương quản lý, đơn vị đã đề nghị các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện các sự cố để kịp thời sửa chữa; đề nghị các địa phương xây dựng phương án kịp thời khắc phục các sự cố cầu đường khi mưa lũ xảy ra. Đối với những vị trí nguy hiểm có khả năng gây ách tắc giao thông như cầu tràn, vị trí cầu độc đạo, cầu treo dân sinh, mái taluy âm dương có nguy cơ sạt lở cao, địa phương cần bố trí lực lượng dân quân, công an xã kịp thời điều tiết phương tiện khi có sự cố xảy ra.
Tây Nguyên hiện có hàng trăm cầu treo, cầu tạm. Đại diện sở GTVT các tỉnh trong khu vực cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, ngành chức năng đã cho sơn sửa, bôi mỡ cáp, bảo dưỡng hố neo các cây cầu treo. Với những cây cầu chưa đảm bảo an toàn thì gắn biển cảnh báo, thậm chí cấm người dân đi lại nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Về lâu dài, nhiều địa phương đã lên phương án đề nghị bố trí kinh phí để xây dựng cầu kiên cố. |