Ngăn chặn xả rác bừa bãi: Xử lý mạnh tay, quyết liệt hơn

TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý các hành vi xả rác, tiểu bậy ra môi trường công cộng. Tuy vậy, bộ mặt đô thị vẫn còn nhếch nhác. Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ gìn sự sạch sẽ, văn minh, nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc… đã rất mạnh tay xử phạt lỗi xả rác; còn Việt Nam, dù có quy định pháp luật chặt chẽ nhưng tại sao lại chưa thực hiện được?

Mỗi ngày, người dân xả ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) khoảng 10.000 tấn rác. Ảnh: MINH HẢI
Mỗi ngày, người dân xả ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) khoảng 10.000 tấn rác. Ảnh: MINH HẢI

Càng cấm càng xả!

Lưu thông trên nhiều tuyến đường, các chân cầu, bãi đất trống, người đi đường không khó bắt gặp hình ảnh đầy nghịch lý, ngay phía dưới những tấm biển cấm đổ rác là những đống rác gây mất mỹ quan đô thị, bức xúc cho người dân. Tuyến đường Vành Đai Tây, phường An Khánh, TP Thủ Đức (TPHCM) đã được đầu tư khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho việc lưu thông, thế nhưng tuyến đường này đang bị “bức tử” bởi nạn xả rác vô tội vạ của người dân. Dĩ nhiên là chính quyền địa phương có gắn bảng cấm đổ rác, nhưng ngay dưới bảng cấm là đống rác lớn bốc mùi hôi thối. Cách đó không xa, tuyến đường Phạm Văn Ngôn cũng đang phải gồng mình gánh một lượng rác thải lớn do nhiều người dân thiếu ý thức mang ra bỏ trộm. Hôm nào lực lượng thu gom rác tiến hành thu dọn trong ngày thì sáng hôm sau rác lại xuất hiện... như chưa từng được dọn. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở chân cầu Sài Gòn, khu vực giáp ranh giữa quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức cùng nhiều khu vực khác.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao thành phố đã triển khai không ít biện pháp xử lý các hành vi bỏ rác sai nơi quy định, nhưng vẫn có những người dân không tuân theo. Các ý kiến cho rằng, phần lớn nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. Nói về ý thức, chị A., công nhân vệ sinh môi trường, thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 1, bức xúc, nhiều hôm chị đang quét rác dưới đường Hàn Thuyên, khu vực Công viên 30-4 thì bất ngờ bị các vỏ chai nước bay vào người do những tài xế đậu xe ở đây uống xong rồi ném ra. Vài lần chị định đi tới góp ý, nhưng nghĩ, họ đã thiếu ý thức như vậy, có nói cũng không giải quyết được gì. Ai cũng muốn sạch sẽ cho mình, nhưng không phải người nào cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định để giữ gìn vệ sinh chung.

Tình trạng xả rác, tiểu bậy bừa bãi đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực. Chính việc bỏ rác bừa bãi là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường, kênh rạch bị ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và thêm phần gánh nặng cho công tác xử lý rác của thành phố. PV Báo SGGP đã “cắm chốt” khoảng 3 giờ trên đường Hoàng Sa, quận 1, để ghi nhận tình trạng này. Trong khoảng thời gian ấy, máy quay ghi được có 6 người tiểu bậy, 1 người xả rác bừa bãi, 1 người giăng lưới đánh bắt cá dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các hành vi đều diễn ra một cách công khai, không e ngại, ngay cả khi cạnh đó là các biển cấm. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, mỗi ngày công nhân vệ sinh phải vớt từ 9-10 tấn rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chưa đủ sức răn đe

Theo chia sẻ của đơn vị chức năng ở một số quận, huyện, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường ở địa phương vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đại diện UBND huyện Bình Chánh thông tin, thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, huyện đã tăng cường nhiều giải pháp để xử lý các hành vi xả rác bừa bãi ra khu vực công cộng, như chỉ đạo 16 xã, thị trấn lắp đặt, bổ sung 514 camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường để kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường...

Năm 2023, có 93 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 49 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp với tổng số tiền 96,5 triệu đồng. Quá trình triển khai cuộc vận động, quận vẫn còn những khó khăn như: công tác xử phạt đối với các quy định về vệ sinh môi trường nơi công cộng tại các địa phương còn hạn chế do tính chất hành vi vi phạm; lực lượng đảm trách công tác xử phạt còn mỏng; giải pháp tuyên truyền về môi trường chưa tiếp cận được đến 100% dân cư trên địa bàn.

k5b.jpg
Nhiều người bỏ rác ngay dưới biển cấm đổ rác ở chân cầu Sài Gòn, phía quận Bình Thạnh, TPHCM

Ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường ở địa phương vẫn còn những khó khăn như: các hành vi vi phạm thường diễn ra ở nơi vắng, trong khi việc lắp camera quan sát tại các khu vực không đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng; một số camera chất lượng ghi hình thấp nên khó xác định đối tượng vi phạm. Ngoài ra, một số đối tượng vi phạm không phải người địa phương, nên việc trích xuất camera không xác định được lai lịch của đối tượng. Quận cũng đã kiến nghị UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan công an và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, trong đó có việc xả rác, tiểu tiện bừa bãi ra môi trường công cộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận, tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường vẫn còn tồn tại, một phần do nhiều người còn thiếu ý thức và một phần do lực lượng chức năng quản lý vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Để chấn chỉnh hành vi xả rác tùy tiện ra môi trường, cần thiết phải có sự chung sức của chính quyền, đoàn thể, cán bộ địa phương, tổ dân phố và cảnh sát khu vực. Hơn ai hết, chính quyền địa phương phải là đơn vị trực tiếp thực hiện và phải có sự tham gia đồng bộ từ lãnh đạo đến người dân.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Nâng cao ý thức cho cộng đồng

TPHCM đã triển khai rất nhiều giải pháp để tuyên truyền người dân không xả rác ra môi trường một cách bừa bãi, trong đó Chỉ thị 19 được xem là tiền đề quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xả rác ra môi trường vẫn còn tồn tại, một mặt là do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; mặt khác công tác quản lý nhà nước chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ và quyết liệt. Để giải quyết bài toán này, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải có một chế tài mạnh tay hơn nữa mới đủ sức răn đe, giống như việc ngành chức năng đang thực hiện xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn.

TS Đinh Thị Thanh Nga Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn: Giải quyết gốc rễ của vấn đề

Nhiều phong trào, chương trình tuyên truyền, kêu gọi người dân không xả rác ra môi trường một cách bừa bãi đã để lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, các phong trào này không được duy trì thường xuyên nên hiệu quả vẫn không như kỳ vọng. Mặc dù thành phố đã triển khai giải pháp sử dụng các thiết bị kỹ thuật ghi hình để làm bằng chứng xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, song có cảm giác cán bộ, lãnh đạo các địa phương chưa quyết tâm, chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của giải pháp này. Để có thể ngăn chặn nạn xả rác ra môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, lãnh đạo chính quyền địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa; cần một sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các cơ quan chức năng thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Tin cùng chuyên mục