Ngăn chặn việc gian lận xuất xứ hàng hóa

Ngày 26-11 tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã tổ chức diễn đàn về thực trạng hàng giả, hàng nhái tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Theo ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch.

Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua gồm: thực phẩm (bột ngọt, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); vật liệu xây dựng; mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; mặt hàng tiêu dùng, thời trang…

Vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu. Thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát là hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rồi giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, cho biết thêm hiện nay các loại hàng hóa được mua bán qua mạng và bị làm giả nhiều nhất gồm: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ công nghệ, đồ điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình…

Giải pháp nêu ra để quản lý là phải sửa đổi Nghị định 52/2-13/NĐ-CP về các loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng…

Còn theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, để ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam, tránh khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận khống nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ; đề nghị Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam siết chặt quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục