Ngăn chặn từ gốc thực phẩm không an toàn

TPHCM đang tích cực phối hợp các địa phương nhằm quản lý thực phẩm tận gốc, qua đó đưa những sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Sản phẩm vào các siêu thị được kiểm soát từ gốc để đảm bảo an toàn
Sản phẩm vào các siêu thị được kiểm soát từ gốc để đảm bảo an toàn

Vi phạm an toàn thực phẩm gia tăng

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), 9 tháng đầu năm 2024, tình hình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu và vi phạm an toàn thực phẩm trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng QLTT cả nước đã tích cực kiểm tra và xử lý 54.667 vụ, phát hiện và xử lý 38.102 vụ vi phạm. Những con số này cho thấy sự quyết liệt trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đảm bảo sự ổn định cho thị trường trong nước.

Việc thực phẩm kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường đã dẫn tới những vụ ngộ độc thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chia sẻ tại 1 hội thảo tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện có rất nhiều sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, cũng nguồn thực phẩm này cung cấp cho thị trường nội địa thỉnh thoảng phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng, trở thành nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, ông Phương cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với số ca bị ngộ độc tăng hơn 1.000 người so với cùng kỳ, trong đó có vụ ngộ độc có đến hàng trăm người mắc và nhập viện... Ông Phương cho rằng, việc số người ngộ độc tăng cao cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cần giải quyết từ gốc rễ thay vì chỉ kiểm soát phần ngọn là kiểm tra điểm bán. Bởi việc giám sát lấy mẫu kiểm tra được tổ chức thường xuyên, liên tục song cơ quan chức năng làm không xuể. “Thay vì kiểm tra, xử phạt và vận động người sản xuất ký cam kết, chúng ta cần đi từ gốc là sản xuất. Với TPHCM, tháng 3-2024, thành phố đã triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM (Tick xanh trách nhiệm) với sự tham gia của các nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam” ông Phương cho biết.

Đi đầu trong công tác này, Saigon Co.op đã thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Đến nay, Saigon Co.op đã ký kết với hàng trăm nhà cung cấp, đồng thời vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình. “Saigon Co.op rất nhanh nhạy và có chiến lược đúng đắn khi tiên phong triển khai cùng các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu để hỗ trợ nhà sản xuất”, ông Phương đánh giá.

Nỗ lực đảm bảo an toàn

Trong kế hoạch sắp tới, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả đơn vị tham gia. Sản phẩm của các đơn vị này sẽ được xem xét đánh dấu “tick xanh” và hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn. Khi sản phẩm bị 1 hệ thống phân phối phát hiện vi phạm cam kết sẽ phát thông báo cho các hệ thống phân phối còn lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường. Với cách làm này, ông Phương cho rằng khả thi và căn cơ hơn so với việc thanh tra giám sát thị trường như đang làm.

Ngoài chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, trong năm 2024, thành phố đã kịp thời xây dựng các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm với nhiều giải pháp, trong đó thành phố tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Đại diện Saigon Co.op cho biết thêm, đơn vị đã xây dựng và áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp, chặt chẽ từ các khâu trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển đến kinh doanh. Tại từng điểm bán đều có bộ phận quản lý chất lượng thực hiện kiểm soát chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm, được trang bị những thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra nhiệt độ, quy cách bảo quản, test nhanh hàng hóa,… đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất tại khâu tiếp nhận, duy trì tính ổn định khi đến tay người tiêu dùng. Saigon Co.op cũng thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh tại các điểm bán (siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food,…) để kiểm định, phân tích chất lượng tại Trung tâm kiểm nghiệm được cơ quan nhà nước chỉ định.

Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định, thời gian qua, đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” cũng là giải pháp để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản. Thông qua công tác phối hợp với các tỉnh và triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã phối hợp Sở NN-PTNT các tỉnh, thành thiết lập, quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn cung cấp vào bếp ăn tập thể, căn tin trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống; tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn cho người dân thành phố ngày càng tăng.

Các thống kê từ Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho thấy, chỉ trong tháng 10-2024, Ban quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 5 giấy chứng nhận cho 4 cơ sở kinh doanh, 1 cơ sở sản xuất rau củ quả với tổng sản lượng hơn 1.069 tấn/ năm. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, Ban quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 242 giấy chứng nhận cho 209 cơ sở kinh doanh, 3 cơ sở sơ chế, 3 cơ sở giết mổ và 3 cơ sở sản xuất, 24 cơ sở chăn nuôi với sản lượng rau củ quả đạt hơn 2.086 tấn/ năm, thịt gà khoảng 35.095 tấn/năm và 110,138 triệu quả trứng/năm. Thông qua đó, góp phần đưa thực phẩm chất lượng, an toàn, nguồn gốc rõ ràng ra thị trường phục vụ người dân trên địa bàn TPHCM.

Theo đánh giá của Sở Công thương, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao và đây cũng là thời điểm hàng kém chất lượng được đưa ra thị trường nhiều hơn. Do vậy, bên cạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, việc kiểm soát tận gốc thực phẩm được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường được kiểm soát tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục