Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh trong thông tư lần này là loại bỏ trong chương trình các nội dung vi phạm các điều cấm của pháp luật về báo chí và quy định pháp luật khác; những vấn đề còn gây tranh cãi, vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Đặc biệt, phần nguyên tắc cảnh báo nội dung và hiển thị cảnh báo cũng quy định rất chi tiết về thời gian, thời lượng và tần suất xuất hiện. Trong đó, riêng các chương trình có mức phân loại từ K đến T18 phải thực hiện cảnh báo.
Việc ra đời thông tư lần này cùng với Nghị định 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và các văn bản luật có liên quan của Luật Điện ảnh sẽ là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc quản lý nội dung dịch vụ phát thanh, truyền hình. Thực tế, thời gian qua đã xảy ra những sự việc nghiêm trọng, như bộ phim Hướng gió mà đi được phát trên Netflix Việt Nam cùng nhiều nền tảng trực tuyến, các website chiếu phim… có chứa hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Hay nhiều chương trình truyền hình đã và đang lên sóng trên nhiều nền tảng khác nhau, có nội dung thi tài, biểu diễn những hành động mạo hiểm, có nguy cơ gây thương tích; chương trình thể thao về các bộ môn thể thao mạo hiểm, thể thao đối kháng, võ thuật có tính bạo lực, nguy hiểm… việc biên tập, phân loại và cảnh báo càng quan trọng hơn để người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em không học theo, bắt chước. Thông tư hướng đến việc bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương là điều rất cần thiết, những cảnh báo trước chương trình cũng là căn cứ để các bậc phụ huynh xem xét và đưa ra quyết định có cho phép con em mình theo dõi hay không.
Rõ ràng, quy định của thông tư dù chặt chẽ nhưng để thực thi hiệu quả không thể xuất phát một chiều từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nó còn phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan, tổ chức cung cấp hay liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình. Khi đã nắm trong tay quyền biên tập, cấp phép phát sóng, cần phát huy tối đa vai trò của “người gác cửa”. Nhưng thiết nghĩ, để thông tư mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cần thêm cả vai trò của công chúng. Là người thụ hưởng, trong không ít trường hợp, công chúng chính là người phát hiện và báo cáo các nội dung xấu, góp phần làm trong sạch môi trường phát thanh, truyền hình.