Nhiều người dùng mạng xã hội chưa đủ thông tin, chưa rõ thực hư ra sao đã chia sẻ, lan truyền thông tin, tham gia bình luận, nói hùa, không tiếc lời dè bỉu, phê phán người bị chỉ trích, xúc phạm, không ý thức rằng đó là hành vi sai trái về đạo đức, tiếp tay cho kẻ xấu và vi phạm pháp luật.
Để chấn chỉnh hành vi vi phạm này, các tổ chức và cá nhân liên quan cần vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý vụ việc đến nơi đến chốn.
Về phía quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần xem xét xử phạt hành chính chủ trang web đã đưa tin sai sự thật, gây tác động xấu trong dư luận, với các hình thức như phạt tiền, buộc cải chính, thậm chí xử lý pháp luật nếu như mức độ vi phạm nghiêm trọng.
Cá nhân người bị bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm uy tín cũng nên khởi kiện để đòi cải chính, xin lỗi hoặc bồi thường thiệt hại (nếu xác định được thiệt hại). Việc làm này hoàn toàn phù hợp với một xã hội tôn trọng pháp luật, các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân phải được bảo vệ đúng mức.
Trên thực tế, các trò bẩn trên mạng có thể xảy đến với các doanh nghiệp, doanh nhân, diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng, thậm chí lãnh đạo chính quyền các cấp. Với độ mở rất lớn của thông tin mạng, một cá nhân nào đó hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của một tin bịa đặt, một hình ảnh cắt ghép, một clip ngụy tạo, mà hậu quả có khi không tính được bằng tiền và cũng không dừng lại ở việc làm tổn thương bản thân người đó.
Nhưng trong nhiều trường hợp, người bị xúc phạm đành gắng chịu đựng cho qua chuyện, bởi việc khởi kiện đòi quyền lợi có nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân quy định pháp luật về vấn đề này còn chưa chặt chẽ, nhận thức của người quản lý đôi lúc còn chưa đầy đủ về tác hại của hành vi này.
Người sử dụng mạng internet nói chung và người sử dụng mạng xã hội nói riêng cần phải luôn tỉnh táo, thận trọng với các thông tin xuất phát từ các nguồn không rõ ràng. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường những biện pháp quản lý nhà nước về việc sử dụng mạng internet, quyết liệt xử lý những tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Để góp phần hạn chế các hậu quả do thông tin sai trái gây ra, kịp thời giải tỏa dư luận, các cơ quan truyền thông khi phát hiện những thông tin được sự quan tâm rộng rãi của dư luận thì cần có định hướng ngay, khẳng định thông tin đó có đúng hay không, cần hiểu theo cách nào, nếu sai trái thì phải giúp công chúng hiểu rõ và đấu tranh để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.