Ngăn chặn tình trạng “thổi giá” theo lương

Sau khi mức lương được điều chỉnh từ ngày 1-7, nhiều mặt hàng cũng được thiết lập mặt bằng giá mới. Điều này gây tác động trực tiếp đến sức mua, khiến người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Trước thực trạng này, các sở, ngành, doanh nghiệp… đang nỗ lực phối hợp với nhau để hạn chế việc “thổi giá”, từng bước ổn định thị trường, gia tăng sức mua.

Mệt mỏi vì giá cả tăng

Ghi nhận trong ngày 5-7, tại TP Đà Nẵng, giá một số mặt hàng đã tăng so với trước. Ghé chợ Thanh Vinh để mua chút thực phẩm, mất gần nửa giờ đồng hồ tham khảo giá cả tại các sạp rau, chị Trần Thị Ngọc (công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đành chọn bừa chút cà chua, vài trái chanh, 10 gói mì ăn liền… Giá cà chua ở mức 28.000-30.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 đồng/kg; giá chanh 25.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với tháng trước; mì ăn liền cũng tăng 3.000 đồng/10 gói…

“Bây giờ ra chợ, thứ gì cũng tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng mỗi ký. Lương tăng chút đỉnh nhưng chi phí sinh hoạt đã tăng gấp nhiều lần mức lương tăng. Ăn rau còn đắt, nói gì đến mua được lạng thịt cho con”, chị Ngọc nói.

F1b.jpg
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Gia đình chị Lê Thị Trang (30 tuổi, quê Quảng Bình) tá túc trong căn phòng chưa đến 15m2, ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào lương của chồng chị, khoảng 8 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này, chi tiêu “dè sẻn” cũng không đủ khi nhà có 2 con nhỏ. “Tiền ăn uống, tã, sữa, điện nước mỗi tháng đều chi hết sạch, không dư đồng nào. Chồng em đi làm công việc vất vả, có hôm cả ngày chỉ làm một tô cơm nguội trộn lẫn với mì gói”, chị Trang kể.

Đối với thị trường TPHCM, nhiều mặt hàng tại các chợ lẻ, tiệm tạp hóa… cũng tăng giá từ vài tuần nay. Chị Phương Thị Oanh (làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân), cho hay, dầu ăn các loại tăng từ 3.000-5.000 đồng/lít, trứng gà tăng khoảng 4.000 đồng/chục, rau các loại tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg, tùy loại. Mỗi lần đi chợ phải thêm từ 20.000-40.000 đồng so với cách nay vài tháng.

Anh Mai Văn Quynh (ngụ tại quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh) chia sẻ, giá thực phẩm tại chợ lẻ cũng tăng đáng kể. Ví dụ, cá chuồn có giá 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước; thịt ba rọi rút sườn giá 160.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg; ổi nữ hoàng mua sỉ tại vựa lớn có giá 190.000 đồng/10kg, tăng 70.000 đồng/10kg…

“Mỗi thứ nhích một chút, khiến tổng chi tiêu mỗi tháng tăng đáng kể, điều này gây áp lực không nhỏ đối với người lao động như chúng tôi”, anh Quynh bày tỏ.

Siêu thị, chợ sỉ: cam kết giá tốt

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng, cho biết, TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành đồng loạt thực hiện các giải pháp kiểm soát giá cả. Trọng tâm là kiểm soát từ cơ sở: các chợ, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu buộc phải niêm yết giá và thực hiện theo niêm yết. “Ngành Thống kê TP Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch ra quân trong tháng 7 với 14 quản lý, 32 điều tra viên xuống các chợ, siêu thị để kiểm tra, theo dõi chặt chẽ giá cả thị trường trong 3 tháng liên tiếp. Các lực lượng khác như Sở Công thương, Sở Tài chính cùng phối hợp. Có lực lượng xuống kiểm tra liên tục như vậy, tiểu thương, người kinh doanh không dám tăng giá”, ông Vũ cho hay.

F3a.jpg
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị AEON, quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Theo thông tin từ các hệ thống bán lẻ như MM Mega Market, Satra, Saigon Co.op…, nhiều chương trình khuyến mãi hè quy mô lớn được thực hiện, với mức giá hấp dẫn. Trong đó, giảm cao nhất lên tới 50% đối với nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng, mỹ phẩm. Ngoài ra, có một số mặt hàng được giảm giá từ 70%-80%… Bên cạnh đó, các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Tây cũng cam kết có chính sách giá tốt, giữ giá ổn định cho người tiêu dùng.

Trao đổi về thực tế biến động giá gần đây, đại diện các chợ đầu mối chuyên cung ứng rau quả, thực phẩm trên địa bàn TPHCM thừa nhận, đó chỉ là một số mặt hàng về chợ không kịp hoặc do tác động của thời tiết; còn phần lớn mặt hàng cung ứng tại chợ đều có giá tốt. Chẳng hạn, tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá su su, cải thảo, bắp cải, củ cải ổn định quanh mức 6.000-9.000 đồng/kg; cà rốt 14.000 đồng/kg; củ dền, đậu bắp, cải thìa 10.000 đồng/kg; quýt đường 25.000-30.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn 25.000 đồng/kg; cốt lết 80.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 115.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, ban quản lý một số chợ truyền thống như Hòa Hưng (quận 10), Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5) chia sẻ, tiểu thương luôn nỗ lực có mức giá tốt nhất, chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng. Bà Nguyễn Loan, tiểu thương tại chợ Hòa Hưng (quận 10), xác nhận, khách hàng ngày càng thích mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại do có máy lạnh mát rượi, quầy kệ gọn gàng, sạch sẽ…

“Muốn giữ chân được những vị khách thân thiết còn sở thích đi chợ truyền thống là điều không dễ, nên chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn: bán hàng tươi ngon, đảm bảo chất lượng, giá mềm. Thỉnh thoảng, tiểu thương tặng cho khách chút hành ngò, vài trái ớt… Vậy là khách cũng vui, sẽ quay lại với mình”, bà Loan chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng do TPHCM phát động góp phần gia tăng sức mua, ổn định giá cả, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận mặt hàng giá tốt. Saigon Co.op đã và đang có nhiều ưu đãi lớn dành cho người mua.

Ví dụ như, lễ hội nhãn hàng riêng Co.op với hơn 1.000 sản phẩm giảm giá đến 50% hoặc giảm chỉ còn 5.000 đồng/sản phẩm; chương trình mừng Quốc tế Hợp tác xã - Đồng hành cùng OCOP giảm giá trực tiếp đến 25% cho các sản phẩm OCOP thuộc doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã toàn quốc (bơ đậu phộng mật ong mịn, trà tim hạt sen, cá dứa 1 nắng Cần Giờ, gạo lức đen, cà phê hòa tan, nhiều mặt hàng rau, củ, quả giảm 15%)… Chương trình “Thỏa sức mua - Đua sức sắm” với mức giảm lên tới 54% hoặc mua 1 tặng 1, áp dụng cho các sản phẩm thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng và may mặc…

  • Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:

Kích cầu tiêu dùng, giám sát giá cả

Sự kiện khuyến mãi tập trung Mùa mua sắm “Shopping Season” TPHCM năm 2024 (chia làm 2 đợt, diễn ra từ ngày 15-6 đến ngày 15-9 và từ ngày 15-11 đến ngày 31-12) được kỳ vọng giúp TPHCM đạt mục tiêu kép, gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đồng thời kiềm chế lạm phát cũng như đảm bảo an sinh xã hội…

Chương trình được triển khai rộng rãi đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Có khoảng 10.000 thương nhân tham gia bán hàng, với trên 55.000 chương trình khuyến mãi thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải... Trong cả 2 đợt này, thương nhân được áp dụng giảm giá lên tới 100%.

Bên cạnh đó, chương trình bình ổn thị trường quy mô lớn cũng được ngành công thương TPHCM tập trung thực hiện xuyên suốt, quanh năm. Để tránh tình trạng “nhảy giá”, Sở Công thương tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TPHCM, các đơn vị liên quan rà soát niêm yết giá cả, xuất xứ hàng hóa...

  • Bà NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam:

Đảm bảo giá ưu đãi cho khách hàng

Chúng tôi nỗ lực gia tăng lợi ích, bán giá tốt nhất đến người tiêu dùng. Hiện tại, chuỗi siêu thị GO! Big C đang bán trên 2.000 sản phẩm với giá ưu đãi, kéo dài từ nay đến cuối năm. Đây cũng là chiến lược của tập toàn trong việc hiện thực hóa nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ và bộ, ngành kiềm chế lạm phát, góp phần kích cầu tiêu dùng, gia tăng lượng khách hàng đến mua sắm tại chuỗi cửa hàng.

Nhóm hàng hóa đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây đến hàng tiêu dùng nhanh như gia vị, bánh kẹo, sữa, thực phẩm đông lạnh, sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm giặt rửa… GO!, Big C cam kết có giá rẻ hơn thị trường trong bán kính 10km. Song song đó, tập đoàn Central Retail cũng duy trì chương trình “Chợ sớm giảm sung”, giảm giá thêm 10% đối với toàn bộ sản phẩm thực phẩm tươi sống: thịt, cá, hải sản tươi, rau, củ, trái cây (áp dụng từ lúc siêu thị mở cửa đến 10 giờ sáng hàng ngày; áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần).

  • Ông PHẠM ANH VŨ: Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Du lịch Việt:

Cần có chính sách ổn định giá quy mô lớn

Tác động của giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền khách hàng. Đối với các đoàn khách của Du lịch Việt, mức giá tour vẫn ổn định, các suất ăn vẫn đầy đủ, không bị “cắt, gọt” do áp lực tăng giá. Để có mức giá tốt, chúng tôi đã phải thương thảo hợp đồng với đối tác từ nhiều tháng trước, thậm chí cả năm trước. Tuy vậy, vài ngày nay, đối tác thông tin về việc điều chỉnh tăng giá một số hạng mục. Như vậy, có thể ngầm hiểu rằng, ngay khi hợp đồng cũ kết thúc, các hợp đồng mới sẽ có mức giá mới.

Ngành du lịch nội địa vốn gặp nhiều khó khăn do tác động của giá vé máy bay, nay thêm “cú bồi” của việc tăng giá hàng hóa “ăn theo” tăng lương dẫn đến khó chồng khó. Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách ổn định giá cả quy mô lớn, với sự bắt tay vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, để “ngành kinh tế tổng hợp” gia tăng sức hút, người dân có thêm cơ hội khám phá cảnh đẹp Việt Nam, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tin cùng chuyên mục