Ngày 14-12 tại Hà Nội, Tạp chí Công thương đã tổ chức cuộc tọa đàm về các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh các mặt hàng rượu cuối năm.
Theo Bộ Công thương, để đảm bảo ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu dịp cuối năm, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, để quản lý sản phẩm rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Tại nghị định này, Chính phủ giao Bộ Công thương phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm với rượu, Bộ Y tế được giao kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng chống tác hại của rượu.
Đề cập tới tiêu chuẩn về chất lượng và đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh rượu, tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công thương) cho biết, về chỉ tiêu chất lượng đối với rượu và thực phẩm nói chung thì hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta đã khá đầy đủ.
“Theo các quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số các điều của luật này, Bộ Công thương được phân công phụ trách xuyên suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản và kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu đối với mặt hàng rượu, trừ rượu bổ do Bộ Y tế quản lý”- ông Tấn cho biết. Theo quy định, cho dù là sản phẩm rượu sản xuất ở trong nước hay là sản phẩm nhập khẩu đều buộc phải đăng ký chất lượng sản phẩm.
Mặc dù hệ thống quản lý đầy đủ như vậy song theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), trên thực tế, có lúc có nơi vẫn xảy ra trường hợp đáng tiếc về ngộ độc rượu, nên đây là mặt hàng mà lực lượng quản lý thị trường đặc biệt quan tâm vào dịp cuối năm.
“Khi sản xuất sản phẩm rượu mà không đạt chất lượng, không đúng tiêu chuẩn được quy định sẽ dẫn đến nguy cơ người sử dụng bị ngộ độc, nhẹ thì ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng thì có ảnh hưởng đến tính mạng” - ông Lê nói.
Trước tình hình số vụ ngộ độc rượu gia tăng thời gian gần đây, từ tháng 9, Tổng cục Quản lý thị trường đã ra công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, nhất là trong dịp tết đến xuân về, lượng tiêu thụ rượu sẽ tăng đột biến.
Tham gia tọa đàm, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng cảnh báo về tác hại của các loại rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép, sản phẩm rượu ngoại không đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm. “Những sản phẩm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất cho nền kinh tế, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính”- bà Vân Anh bày tỏ ý kiến.
Theo bà Vân Anh, số liệu từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, khoảng 70% đồ uống là rượu thủ công, đồ uống phi chính thức đã và đang gây tổn thất khoảng 751 triệu USD, xấp xỉ khoảng 17.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước, đây là con số không hề nhỏ.
Để thiết lập lại trật tự, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã giao kế hoạch cho 63 tỉnh, thành tăng cường công tác kiểm tra các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát… cùng với các mặt hàng thực phẩm như là thịt heo, nông sản để đảm bảo cho người dân đón một cái tết an lành, mạnh khỏe.
Còn ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công thương), chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết Quý Mão 2023, vì vậy, Bộ Công thương và Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ NN-PTNT kiểm tra mặt hàng rượu và thực phẩm. Dự kiến sẽ thành lập 6 đoàn công tác về các địa phương để kiểm tra. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, đảm bảo mức độ an toàn về sản phẩm do mình do mình sản xuất ra.
Các tổ chức, cá nhân phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đồng thời phải chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có.
“Bên cạnh đó, trong dịp tết đến xuân về và chuẩn bị vào mùa lễ hội, chúng tôi cũng muốn khuyến cáo tới người tiêu dùng là phải tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, không vì ham rẻ tiền mà sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm không đảm bảo an toàn, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế của gia đình cũng như gây hệ lụy cho xã hội” - ông Tấn nói.