ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu vấn đề: Điều 28 Luật Quy hoạch quy định việc công bố công khai quy hoạch, và Điều 38 Luật Quy hoạch cũng yêu cầu chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước, theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước.
Trên thực tế, người dân, đặc biệt là nhà đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch. Nhiều quy hoạch dù được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của luật chuyên ngành nhưng chưa được công bố công khai hoặc thậm chí không được công bố công khai.
“Ngoài ra dự án Luật cần trực tiếp quy định để các văn bản hướng dẫn như Nghị định nếu quy định các trường hợp quy hoạch thì không cần công bố, nếu có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước. Quy định như vậy là cần thiết, tránh hiện tượng cơ quan có thẩm quyền lấy lý do bí mật nhà nước để từ chối công bố quy hoạch”, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Đồng tình với nhiều luận điểm trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, dự Luật mới chỉ tập trung quy định hình thức lấy ý kiến, biểu mẫu lấy ý kiến mà chưa chú ý đến chủ thể được lấy ý kiến, cụ thể ở đây là nhân dân.
Luật cần quy định rõ tiêu chí để xác định đối tượng nhân dân, người có liên quan như thế nào mới được lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến của mỗi đối tượng nhân dân cũng sẽ có sự khác biệt nhất định.
Sự không rõ ràng và minh bạch trong việc lựa chọn người lấy ý kiến là nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, đặc biệt trong thời gian gần đây trong vấn đề quy hoạch khi người có quyền lợi liên quan không được góp ý thậm chí không được biết về quy hoạch, không nắm rõ vấn đề được đưa ra.
Cụ thể, dự án Luật cần xây dựng một tiêu chí chung để các luật chuyên ngành thống nhất áp dụng trong việc lựa chọn đối tượng, góp ý trong quá trình lập quy hoạch.
Liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, ĐB lưu ý về độ “vênh” giữa thời gian quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Lĩnh vực sử dụng đất có thời gian quy hoạch là 10 năm, trong khi quy hoạch xây dựng có nhiều thời hạn: 5 năm, 10 năm, 20 năm. Việc lập quy hoạch sử dụng đất được lập theo đơn vị lãnh thổ hành chính, ngược lại quy hoạch đô thị không hoàn toàn theo đơn vị lãnh thổ hành chính…
“Cần có sự điều chỉnh về các tiêu chí, thời gian, thẩm quyền cũng như không gian áp dụng đối với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo một quy hoạch sử dụng đất sẽ được xem xét tổng thể, tránh chồng chéo, tránh bị vênh nhau do thời gian và không gian khác biệt”, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh bình luận.