Ngăn chặn tình trạng giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo

Thời gian gần đây, tình trạng giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Quân khu 7 có dấu hiệu gia tăng, ngày càng tinh vi, không những làm mất mát tài sản người dân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đối tượng Nguyễn Thành Sơn giả danh Thượng tá, cán bộ Cục 71, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng bị bắt giữ. Ảnh: QĐND
Đối tượng Nguyễn Thành Sơn giả danh Thượng tá, cán bộ Cục 71, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng bị bắt giữ. Ảnh: QĐND

Theo báo cáo của Cục Chính trị Quân khu 7, từ tháng 5-2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 đã phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Địa bàn xảy ra nhiều vụ lừa đảo là tỉnh Đồng Nai (23 vụ), tỉnh Lâm Đồng (21 vụ); các tỉnh còn lại: Tây Ninh xảy ra 6 vụ, Bình Thuận xảy ra 6 vụ, Bình Dương xảy ra 4 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu 3 vụ và TPHCM 1 vụ. Các đối tượng xấu thực hiện trót lọt 7 vụ, chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng. Các vụ còn lại do người dân cảnh giác nên không bị thiệt hại tài sản.

Các đối tượng giả danh bộ đội thường thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội, phổ biến nhất là Zalo, Messenger, có sử dụng hình ảnh mang quân phục, hoạt động của bộ đội hay tự xưng là cán bộ đang công tác trong quân đội để tạo dựng niềm tin với các nạn nhân. Đối với gia đình quân nhân, các đối tượng này mạo danh là chỉ huy đơn vị thông báo con, em đang tại ngũ bị tai nạn hoặc vi phạm kỷ luật, cần chuyển khoản một số tiền gấp để tiến hành điều trị, khắc phục hậu quả, sau đó chiếm đoạt.

Theo Cục Chính trị Quân khu 7, nguyên nhân của những vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin. Mặt khác, một số người vì ham lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tình trạng giả danh, mạo danh cán bộ quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và ý thức nâng cao cảnh giác của người dân. Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 7, cho biết, Cục Chính trị Quân khu 7 đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan của 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu cùng vào cuộc, sớm ngăn chặn nạn giả danh, mạo danh bộ đội để lừa đảo.

Cục Chính trị Quân khu 7 đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn Quân khu 7 chỉ đạo tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân về phòng chống các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sở TT-TT các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ SIM điện thoại, hạn chế SIM rác và phát hiện, chặn lọc các tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo. Lực lượng công an, cơ quan chức năng liên quan rà soát, nắm chắc tình hình và kịp thời ngăn chặn hoạt động của tội phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Cán bộ tiếp nhận trình báo, khiếu nại, tố cáo từ phía nạn nhân cần tiến hành kiểm tra các nội dung liên quan, giải thích để nạn nhân hiểu rõ bản chất vụ việc.

Theo Đại tá Nguyễn Như Trúc, nạn giả danh bộ đội để lừa đảo không những gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cục Chính trị Quân khu 7 rất mong nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, cùng với sự nâng cao ý thức cảnh giác của người dân để sớm ngăn chặn hành vi xấu này.

Tin cùng chuyên mục