Nền tảng văn hóa từ người làm báo
Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và thực hiện “12 Tiêu chí cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.
Tại buổi lễ phát động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, yêu cầu phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan tổ chức phong trào phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ở các cấp hội, cơ quan báo chí.
Phong trào này được kỳ vọng các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngay sau khi phát động, nhiều hội nhà báo các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang… đã nhanh chóng triển khai tới các cơ quan báo chí của địa phương. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm chia sẻ, tỉnh Thái Nguyên có 6 cơ quan thông tin, báo chí có chi hội, liên chi hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh nên việc triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí địa phương có nhiều thuận lợi, bởi các chi hội, liên chi hội cảm thấy đây là phong trào cần làm sớm, làm mạnh và làm thực chất. Quá trình ký kết thực hiện phong trào trên, các đơn vị đều cam kết thực hiện thi đua trên tinh thần 12 tiêu chí mà Trung ương phát động.
Theo đánh giá của nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền tảng số, những vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp, sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa báo chí, văn hóa người làm báo là rất cần thiết. Thực tế, đội ngũ những người làm báo nói chung đều sử dụng mạng xã hội, nhưng vẫn có một số trường hợp còn phát ngôn chưa chuẩn mực nên việc phát động phong trào thi đua này sẽ thêm một lần chấn chỉnh những phát ngôn, quan điểm, ý kiến mang tính chất cá nhân, chưa chuẩn mực đó.
Không chỉ có vậy, việc triển khai phong trào thi đua, thực hiện xây dựng cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo thành công, đi vào chiều sâu sẽ tránh việc các phóng viên, hội viên viết trên báo một đàng, phát ngôn trên mạng xã hội một nẻo. Các cơ quan báo chí sẽ đoàn kết, xốc lại đội ngũ của mình, mỗi một thành viên, người làm báo sẽ thấy trách nhiệm của mình trong xây dựng cơ quan báo chí đáp ứng đúng môi trường văn hóa vốn có trước đây mà bây giờ đang được kiện toàn, tổ chức lại cho phù hợp.
“Vấn đề văn hóa là vấn đề rất gần gũi, gắn với việc rèn luyện đạo đức của người làm báo nhưng cũng là vấn đề nhức nhối thời gian qua. Trong vòng xoáy cơ chế thị trường, báo chí đã bị giảm niềm tin nơi công chúng từ một số sự việc cụ thể. Do đó, việc xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa từ trung ương tới cơ sở thống nhất, quyết liệt và hiệu quả sẽ hạn chế được các vi phạm”, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm khẳng định.
Tránh việc “phát” mà không “động”
Để thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đưa ra 3 giải pháp, tránh “đánh trống bỏ dùi”. Theo đó, các cơ quan báo chí cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có đánh giá, kiểm tra, tổng kết đối với từng nhà báo và từng cơ quan.
Bên cạnh đó, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm hay, mô hình tốt cũng cần được tuyên dương và tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Cuối cùng, khi hoạt động trở thành nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí và nhà báo, phong trào sẽ không chỉ là những hoạt động hình thức, thụ động mà sẽ là việc làm thực chất, là mong muốn của các cơ quan báo chí và nhà báo chân chính.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân, cho rằng, cơ quan báo chí cần có sự giám sát của bạn đọc và người dân. Trong quá trình thực hiện, nhân dân có thể gửi đơn thư phản ánh, ý kiến giám sát qua các cơ quan quản lý báo chí như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam. Từ đó, các cơ quan báo chí có thể lấy đó làm căn cứ để theo dõi phong trào thi đua.
Theo Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn (Thông tấn xã Việt Nam), để trở thành cơ quan báo chí có văn hóa thì đơn vị phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn: đoàn kết, tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; thượng tôn pháp luật; có môi trường công sở văn hóa; có thương hiệu, uy tín, tầm ảnh hưởng. Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí có thể xây dựng quy tắc văn hóa riêng cho mình dựa trên tôn chỉ, mục đích hoạt động của tờ báo.
Liên hệ thực tế tại cơ sở, nhà báo Ma Văn Chức cho rằng, quá trình thực hiện phong trào cần sự gắn kết giữa các cơ quan trên địa bàn. Tổ chức, sắp xếp các chi hội phù hợp với đặc thù của từng loại hình và các cơ quan báo chí. Đặc biệt, nâng cao chất lượng hội viên mới kết nạp. Việc bồi dưỡng chính trị tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ không chỉ dựa hoàn toàn vào các cơ quan báo chí, mà Hội Nhà báo các địa phương phải có kế hoạch chủ động cho riêng mình.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm cho rằng, các tiêu chí trong phong trào cần được cụ thể hơn, từ đó có cơ sở để đánh giá, tổng kết; nếu không, mỗi cơ quan, mỗi tỉnh, thành làm một kiểu. Bản chất văn hóa là đạo đức nghề nghiệp, xây dựng vững chắc văn hóa báo chí chính là làm tốt đạo đức nghề nghiệp.
- Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Không cấp phép lại những tạp chí có nhiều vi phạm Năm 2022, Bộ TT-TT giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng “báo hóa” tạp chí, bao gồm cả việc cho chấm dứt hoạt động và không cấp phép lại đối với những tạp chí có nhiều vi phạm, không đem lại giá trị cho xã hội. Báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình, vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình. Quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi quy định để có thể đình bản đến 12 tháng. Đã có công cụ đo lường, giám sát các cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí. Niềm tin của xã hội vào báo chí đang ngày một tăng lên. - TS Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí: Đảm bảo thu nhập cho người làm báo Để thực hiện tốt phong trào trên, các cơ quan báo chí phải đảm bảo thu nhập cho những người làm báo để họ sống được với nghề, không bị dao động với những cám dỗ vật chất; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ và đạo đức báo chí cho các nhà báo; gia tăng cơ chế cho công chúng giám sát, đánh giá các cơ quan báo chí và các nhà báo. - Nhà báo Ma Văn Chức, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang: Phát huy những mặt tích cực Việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay không chỉ góp phần tích cực đến mọi hoạt động sáng tạo tác phẩm của hội viên, nâng cao trí tuệ và văn hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực của kinh tế thị trường. |