Ngăn chặn tin giả, lừa đảo lộng hành

Thời gian gần đây, các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tâm lý lo lắng của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn tương đối mới trên không gian mạng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa các loại tội phạm và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai.
Công an TPHCM tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm. Ảnh: CA
Công an TPHCM tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm. Ảnh: CA

Đánh vào tâm lý lo lắng

Công an TP Thủ Đức (TPHCM) vừa bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức). Cơ quan điều tra cho biết, Nguyễn Minh Phụng đã đăng tải trên Facebook, Zalo… rằng sẽ “bao” có giấy xét nghiệm Covid-19 với giá 600.000 đồng/tờ. Ngoài ra, những ai muốn tiêm vaccine sớm thì đăng ký và chuyển tiền trước. Tùy loại vaccine mà “chi phí tiêm vaccine” sẽ khác nhau, như tiêm vaccine Pfizer có giá 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca có giá 1.080.000 đồng/liều.

Đây là một trong những trường hợp lừa đảo qua mạng mà cơ quan chức năng đã “bốc phốt” trong thời điểm rộ lên những phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, phát đi cảnh báo về việc các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân, giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm vaccine Covid-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua hai tên miền “honapply.vn” và “miniboom.vn”. Trong đó có giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo các trang web của cơ quan nhà nước liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, giả mạo các cơ quan tổ chức kêu gọi chuyển tiền ủng hộ mua vaccine hay quyên góp giúp đỡ cá nhân, đồng bào, khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là việc lập trang web mua bán online và giảm giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu trên mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an quận Tân Phú cho biết thêm, các đối tượng tận dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân trong mùa dịch, tạo ra trang bán hàng online trên mạng để bán vật tư y tế như: khẩu trang, nước rửa tay, bộ kit test nhanh Covid-19… Các đối tượng cũng giả mạo nhân viên y tế gọi điện cho người dân chuyển tiền để “lo lót giữ chỗ” điều trị F0 hoặc được tiêm ngừa vaccine trong thời gian sớm nhất. Theo Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, các đối tượng còn giả mạo nhân viên của tổ chức y tế gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm hoặc có liên kết dẫn đến nội dung về cập nhật tình hình dịch Covid-19. Khi người dùng mở tập tin đính kèm hay nhấp vào đường link liên kết sẽ bị trộm thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng… và bị chiếm đoạt tài sản.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nêu, những ngày này, khi TPHCM và cả nước đang chung tay, đồng lòng chống dịch Covid-19 thì vẫn có không ít người thiếu ý thức, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Theo Công an quận Tân Phú, “virus tin giả” được không ít tổ chức, cá nhân khai thác có chủ ý và tạo ra “biến chủng” mới hết sức nguy hại để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Trước thực tế này, các lực lượng, đặc biệt là công an, đã chủ động tham mưu, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, ngăn ngừa. Trong đó, Công an TP Thủ Đức tham mưu UBND TP Thủ Đức chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về phòng chống Covid-19 và các loại tội trong đợt dịch này. Cụ thể, UBND 34 phường thành lập Tổ tuyên truyền lưu động do Công an phường chủ trì, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

“Người dân cần nâng cao cảnh giác trước một số đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng danh nghĩa của các tổ chức từ thiện, đăng lên mạng xã hội thông tin về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân mắc Covid-19 để vận động, quyên góp trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản. Người dân tuyệt đối không tiết lộ mã pin, mã OTP, mật khẩu… với người khác, kể cả nhân viên ngân hàng. Đồng thời cần kiểm tra thông tin trang web, đường link, chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến trên web chính thức của ngân hàng, các web uy tín, độ bảo mật cao”, Đại tá Phạm Xuân Thao, Trưởng Công an quận 11, khuyến cáo.

Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, cũng khẳng định, công an quận đang tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải, phát tin giả, tin sai sự thật. Đồng thời, Công an quận Tân Phú khuyến cáo mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng. Chỉ tìm đọc thông tin từ các nguồn chính thống, kịp thời phát hiện những thông tin độc hại đang được lan truyền, phát tán để thông báo tới cơ quan chức năng. Chính sự hợp tác, phát huy ý thức trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân sẽ tạo ra sức đề kháng của cả cộng đồng để chống lại loại “virus” nguy hiểm này.

Tin cùng chuyên mục