Sau những câu chuyện thế này, người dân nên rút ra những bài học, nhất là khi hoạn nạn đang chồng chất.
Chuyện là trong cơn bão số 12 vừa qua, không chỉ có gió bão gây thiệt hại nặng nề, nhiều người dân còn lo lắng nguy cơ xả lũ từ các hồ chứa tại Khánh Hòa khi mực nước trên các hồ đang cao. Ngoài ra, hồ chứa Đá Bàn còn có những vệt nứt (dù được đánh giá là an toàn). Cũng từ những thông tin này, mọi chuyện có thể được đồn thổi. Trong một lần đến tiệm tạp hóa gần nhà ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa mua đồ, Nguyễn Phúc Hậu, 20 tuổi, nghe loáng thoáng có tin vỡ đập từ một số người nói ra tại quán. Lập tức Hậu đưa những gì nghe được lên trang Facebook cá nhân. Không lâu sau, tin vỡ đập lan nhanh chóng mặt, hàng ngàn người dân hạ lưu hồ chứa Đá Bàn nháo nhào, thậm chí có người chuẩn bị sơ tán.
Chuyện thứ 2, sau bão số 12, không biết từ đâu, nhiều người rỉ tai nhau về chuyện ở đầm Nha Phu, phía Bắc TP Nha Trang có 30 người dân nuôi cá lồng bè tại đây bị sóng nhấn chìm trong cơn bão mà không ai hay biết. Có người đồn là số người chết vừa được phát hiện ấy không phải do bão mà do đi kiểm tra lồng bè nuôi cá sau bão nên tin đồn còn sốt dẻo hơn. Trước thông tin trên, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhanh chóng cử người đi xác minh. Còn với cánh báo chí, có những PV đang tác nghiệp tại các vùng biển xa xôi cũng phải gác lại mọi chuyện, chạy về hiện trường để ghi nhận bởi số người thiệt mạng như tin đồn quá lớn, quá đau thương. Nhưng sự thật chỉ là người dân đầm Nha Phu vớt được thi thể một người dân xấu số chết trong bão tại khu vực biển nơi đây.
Thế nhưng, hai câu chuyện ở trên chưa thấm gì với thông tin hơn 100 người chết tại huyện Vạn Ninh, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 12 vừa qua. Khi mọi người đang phải căng sức khắc phục hậu quả của cơn bão, ở các xã ven biển huyện Vạn Ninh lại lan truyền nhanh chóng thông tin có hàng trăm lao động trên các bè tôm, cá và công nhân một công ty nuôi trai lấy ngọc bị thiệt mạng do bão, hiện chưa rõ tung tích. Dù chưa biết thực hư ra sao, nhưng trước thông tin này, nhiều PV tại Khánh Hòa trong 2 ngày liên tiếp phải “vắt chân lên cổ” xác minh nguồn tin.
Tuy nhiên, khi hỏi người dân có chứng cứ gì về vụ việc này, họ cho biết “PV tự đi điều tra, họ chỉ nghe qua những người từng ở ngoài bè tôm khi cơn bão đang ập vào” kể lại. Kết quả thu được sau 2 ngày lặn lội khắp nơi, mệt lả người để xác minh chỉ là tin đồn thất thiệt. Thậm chí, có doanh nghiệp du lịch khi nghe tin đồn trên, xót xa những người xấu số, vội vàng huy động lực lượng và thuê cả thợ lặn tìm kiếm nạn nhân.
Có thể nói, sau trận bão và lũ lụt vừa rồi, hung tin thất thiệt lan nhanh như một đại dịch, khiến người dân vốn đã khổ sở vì thiên tai thêm rối bời. Trong lúc nhân dân cả nước và chính quyền các cấp đang nỗ lực dồn sức để khắc phục hậu quả của bão lũ, không ít người đang thể hiện sự vô cảm với nỗi đau của đồng bào mình qua những tin đồn thất thiệt. Những việc làm như vậy cần phải bị lên án, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, khi có những thông tin chưa rõ ràng, thất thiệt, chính quyền địa phương nên sớm có những phản hồi trên mặt báo để định hướng, giúp người dân nắm rõ vấn đề. Có vậy, những tin đồn đó mới bị dập tắt, tránh những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội.