Ngăn chặn thương mại hóa giáo dục đại học ngoài công lập - Bài 2: “Bỏ lửng” đầu tư cơ sở vật chất

Theo các chuyên gia giáo dục, các trường đại học tư thục hiện đang rơi vào “vòng xoáy” của hơn 10 năm trước: chạy đua mở ngành, tăng chỉ tiêu, thiếu chú trọng tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Với thực trạng này, hệ quả tất yếu sẽ diễn ra, đó là “sản phẩm con người” - sinh viên ra trường - sẽ không đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.
Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong giờ học thực hành
Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong giờ học thực hành

Vẫn “ăn nhờ, ở đậu”

Dù nguồn doanh thu cao, lại được quản lý điều hành bởi các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp quy mô hay được thành lập nhiều năm, nhưng nhiều trường đại học tư thục hiện vẫn chưa thoát cảnh thuê mướn, “ăn nhờ, ở đậu” để đào tạo sinh viên, học viên.

Điển hình như Trường Đại học Gia Định thành lập năm 2007 nhưng đến nay cơ sở vẫn thuê tại địa chỉ 371 đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp (TPHCM) và 185-187 đường Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Trong khi đó, Trường Đại học Hoa Sen có cơ sở chính tại quận 1 (TPHCM) đã xây xong, nhưng hiện vẫn phải thuê mướn cơ sở tại quận 3 và quận 12 (TPHCM). Trường Đại học Nguyễn Tất Thành dù đầu tư xây dựng nhiều cơ sở vật chất nhưng vẫn phải thuê mướn cơ sở nhiều nơi ở quận 7, quận 12. Hay dù mang danh đại học quốc tế, nhưng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phải thuê cơ sở tại 120 đường Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM)...

Thuê mướn cơ sở vật chất nhưng nhiều trường đại học tư thục lại liên tục mở ngành mới, tăng chỉ tiêu và tăng học phí, tăng doanh thu trong những năm gần đây. Đây là một điều khó lý giải!

Sau 2 năm là hiệu trưởng một trường đại học tư thục tại TPHCM thì xin nghỉ việc, một Nhà giáo nhân dân, PGS-TS (xin giấu tên) tâm sự: “Từng làm hiệu trưởng ở trường công tự chủ, tôi nghĩ mình sẽ phù hợp với cơ chế thoáng của trường tư, nhưng đụng việc thì hoàn toàn ngược lại. Khi được trường mời về, lương tôi không dưới 100 triệu đồng/ tháng, nhưng tôi phải đáp ứng nhiệm vụ được giao là ngay lập tức mở nhiều ngành, tăng chỉ tiêu (đại học, sau đại học) ít nhất 50% so với năm trước. Thế nhưng, khi tôi yêu cầu tuyển người, đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện mở ngành, đảm bảo chất lượng đào tạo thì họ lắc đầu. Họ nói với tôi rằng, thầy cứ tuyển được rồi thuê mướn chứ không cần đầu tư con người và cơ sở vật chất...”.

Thế là vị hiệu trưởng này vận dụng uy tín của mình vào tư vấn tuyển sinh, và kết quả tuyển sinh vượt gần 100% chỉ tiêu so với năm trước, ngành thạc sĩ mở khắp nơi. Và rồi khi học phí tăng, sinh viên, học viên đông, phải học ở chỗ đi thuê mướn, vị Nhà giáo nhân dân, PGS-TS lập tức nhận nhiều tin nhắn trách móc từ sinh viên, như “con nghe thầy tư vấn rồi đăng ký vào trường nhưng học phí năm sau cao hơn năm trước, không được học tại cơ sở chính...”. “Tôi bỗng giật mình và suy nghĩ mình có lỗi với các em. Rồi tôi thuyết phục tuyển người trình độ cao đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo nhưng hội đồng quản trị vẫn lắc đầu. Thế là tôi đành xin nghỉ giữa chừng, không thể cứ đâm theo lao mãi”, vị nhà giáo này chia sẻ.

Một PGS-TS của Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng tâm tư: “Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tham gia giảng dạy sau đại học cho trường. Tôi thấy hiện nay nhiều trường mở các ngành khối sức khỏe như Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học..., nhưng đội ngũ giảng viên không đủ theo quy định. Nhiều đồng nghiệp của tôi cho nhiều trường mượn hồ sơ để mở ngành hoặc để cho đủ giảng viên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, điều này chưa nghiêm trọng bằng việc nhiều trường chỉ mua một vài cái máy, vài thiết bị để đó và cho rằng đủ điều kiện đào tạo ngành Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học... rồi tuyển sinh vô tội vạ, thu học phí cả trăm triệu đồng/năm. Sinh viên ngành sức khỏe học ra để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng mà đào tạo kiểu này tôi thấy không ổn”.

Nỗi khổ của người học

Mùa tuyển sinh năm học 2023, thí sinh Đ.T.K. (sinh năm 2005) thi tốt nghiệp THPT với môn Toán 8,4 điểm, Hóa học 9,25 điểm, Sinh học 9,75 điểm. Em K. đậu nguyện vọng 1 ngành Y khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhưng do học phí trên 50 triệu đồng/năm nên gia đình em không kham nổi. Sau đó, em đến Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tìm hiểu và dự định xét bổ sung ngành Y khoa. Dù được tư vấn sẽ nhận học bổng 100% học phí năm đầu, nhưng khi biết học phí toàn khóa từ hơn 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, em không dám xét tuyển. Từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ vì học phí quá cao, Đ.T.K. đành đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học của Trường Đại học Công thương TPHCM, với mức học phí khoảng 22 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, em Đ.N.M. (quận Bình Tân, TPHCM) kể, trước đây, em đăng ký học ngành Y khoa Trường Đại học Tân Tạo với mức học phí 5.000 USD/năm (hơn 100 triệu đồng/năm); đến năm thứ tư, nhà trường tăng học phí lên 7.000 USD/năm (hơn 140 triệu đồng/năm). Cùng với đó, nếu học lại hoặc thi lại (học tín chỉ nên thi rớt phải đóng tiền học lại) thì sẽ đóng học phí rất cao. Do điều kiện kinh tế gia đình không thể để M. theo học nổi, em quyết định chuyển trường... Sau khi M. chuyển trường, nhà trường kiện ra tòa và đòi bồi hoàn số tiền học bổng kèm với tiền lãi lên đến hơn 384 triệu đồng. Gần 2 năm trời M. ở trong cảnh vừa đi học vừa phải hầu tòa, và vụ việc được khép lại khi tòa xử em thắng kiện, không phải bồi hoàn số tiền nói trên.

Chị V.T.H. (Long An), có con đang theo học ngành Dược học tại một trường đại học tư thục tại TPHCM, tâm sự: “Năm 2022, khi nhập học, nhà trường tặng con tôi 5 triệu đồng học bổng do đăng ký nhập học sớm và cho biết học phí khoảng 225 triệu đồng/ toàn khóa (học phí mỗi năm gần 45 triệu đồng). Thế nhưng, năm nay nhà trường tăng học phí lên thành hơn 49 triệu đồng/năm (tăng khoảng 10%). Với kiểu tăng học phí như thế này thì học phí sẽ lên đến 65 triệu đồng/năm khi con tôi học đến năm thứ 5. Học phí tăng như vậy, nhưng cháu cho biết khi học thực hành lại không được học ở cơ sở chính mà chạy hết chỗ này đến chỗ khác, khi thì học ở quận 4, khi thì qua học tại một bệnh viện ở quận Gò Vấp. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay mà trường cứ liên tục tăng học phí qua từng năm như vậy, gia đình tôi chắc chắn sẽ rất khó khăn về tài chính, thậm chí cháu có thể bỏ học giữa chừng... Tôi cũng đang lo lắng rằng liệu sau khi học xong, bằng cấp của nhà trường có cạnh tranh được với những em học ngành Dược học ở Trường Đại học Y Dược TPHCM hay Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay không”.

Chăm chăm vào tăng chỉ tiêu, nguồn thu học phí

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại hội thảo quốc gia về “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học” tổ chức vào tháng 4-2023 cho thấy, nguồn thu của các trường đại học công lập chủ yếu là từ ngân sách và học phí. Còn với hệ thống các trường đại học tư thục, nguồn thu chính (gần 100%) dựa hoàn toàn vào học phí. Đây là điều bất thường mà các trường đại học cần phải nhìn nhận, vì sự lệ thuộc vào học phí, ngân sách đồng nghĩa với việc chỉ chăm chăm vào tăng chỉ tiêu, nguồn thu học phí, trong khi các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác, tài trợ... quá thấp. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, xem nhẹ nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Trong khi đó, chính sách tín dụng cho sinh viên ở Việt Nam (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) lại thiếu hấp dẫn, khiến rất ít sinh viên thụ hưởng.

Tin cùng chuyên mục