Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống các trường này đang nổi lên nhiều bất cập, cần được điều chỉnh để tránh rơi vào tình trạng thương mại hóa giáo dục đại học, đi chệch hướng chủ trương thúc đẩy xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.
Để tăng nguồn thu, các trường đại học tư thục chạy đua mở nhiều ngành mới và tìm mọi cách tăng chỉ tiêu càng nhiều càng tốt. Chưa dừng lại đó, các trường này còn liên tục tăng học phí năm sau cao hơn năm trước. Nếu trường nào càng tăng chỉ tiêu mạnh thì doanh thu năm sau sẽ tăng cao so với năm trước rất nhiều. Và đây là cuộc đua dường như chưa có điểm dừng!
Tăng chỉ tiêu đi kèm tăng học phí
Theo thông tin công khai trong đề án tuyển sinh và mục thực hiện “3 công khai” trên website của nhiều trường đại học tư thục, điều thể hiện rõ nhất là học phí tăng đều qua từng năm. Năm học 2023, học phí của Trường ĐH Văn Lang ở hệ đào tạo tiêu chuẩn (hệ đại trà) dao động từ 22-32 triệu đồng/học kỳ; chương trình đặc biệt từ 40-60 triệu đồng/kỳ; riêng với ngành Răng hàm mặt có mức học phí từ 80-90 triệu đồng/học kỳ.
Sinh viên ngành Răng hàm mặt Trường ĐH Văn Lang trong giờ học thực hành |
Trong khi đó, năm học 2022, học phí chương trình đào tạo tiêu chuẩn của trường này dao động trong khoảng 20-27 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành học và năm học 2020 chỉ từ 15-20 triệu đồng/học kỳ.
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, học phí năm học 2022 chương trình cử nhân Răng hàm mặt, Y khoa là 105 triệu đồng/học kỳ; chương trình tiếng Anh là 125 triệu đồng/học kỳ. Cũng trong năm học này, nhà trường tính 180 triệu đồng/năm/3 học kỳ; riêng chương trình tiếng Anh là 220 triệu đồng/năm/3 học kỳ…
Học phí bình quân các ngành của Trường ĐH Công nghệ TPHCM năm 2023 khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ, trong đó ngành Dược có học phí bình quân khoảng 18-20 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó năm học 2022, học phí các ngành dao động từ 13,6-14,4 triệu đồng/học kỳ; còn học phí ngành Dược là 16 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, tính trung bình mức học phí của nhà trường qua từng năm tăng trong biên độ từ 8%-10%...
Tương tự, năm học 2023, mức học phí ở nhiều trường đại học tư thục khác như Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai... cũng tăng ít nhất 10%-20% so với năm trước.
Cùng với mức học phí tăng thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học tư thục đều tăng qua từng năm. Đơn cử như năm học 2023, Trường ĐH Công nghệ TPHCM xét tuyển 12.500 chỉ tiêu cho 59 ngành đào tạo; trong khi năm 2022 đề án tuyển sinh của trường chỉ xét tuyển 7.600 chỉ tiêu; năm 2021 xét tuyển 6.600 chỉ tiêu cho 50 ngành.
Đều đặn tăng chỉ tiêu tuyển sinh qua mỗi năm là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Năm học 2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có chỉ tiêu tuyển sinh là 2.660; năm 2021 tăng lên 3.330 chỉ tiêu; năm 2022 là 4.210 chỉ tiêu và năm 2023 tăng lên 4.800 chỉ tiêu. Trường ĐH Văn Hiến cũng tương tự nhưng chỉ tiêu tăng vọt khi năm 2022 có chỉ tiêu tuyển sinh là 7.652, sang năm 2023 lên đến 10.500... Còn năm học 2023, Trường ĐH Văn Lang tuyển hơn 16.000 chỉ tiêu, trong khi năm 2021 chỉ tiêu là hơn 8.600 sinh viên.
Nguy cơ “bỏ chất theo lượng”
Qua khảo sát nguồn thu từ các trường đại học tư thục cho thấy, khá nhiều trường có doanh thu trên ngàn tỷ đồng trong năm học 2022. Đầu tiên phải kể đến là Trường ĐH Văn Lang có nguồn thu khá cao khi đạt 1.758 tỷ đồng năm 2022; năm 2021 doanh thu của trường là 1.073 tỷ đồng và năm 2020 là 776 tỷ đồng. Còn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng thu 1.162,4 tỷ đồng năm 2022, trong đó 1.141 tỷ đồng từ nguồn thu học phí.
Với nguồn thu chủ yếu từ học phí, năm học 2022, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng thu 1.145 tỷ đồng. Một số trường có nguồn thu trên 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng gồm có Trường ĐH Hoa Sen (918 tỷ đồng), trong đó thu học phí là 680 tỷ đồng; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có tổng thu là 886 tỷ, trong đó thu học phí là 822 tỷ đồng; Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM có doanh thu 507 tỷ đồng...
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô Trường Đại học Công nghệ TPHCM giới thiệu mô hình đồ án tốt nghiệp |
Ghi nhận từ báo cáo tài chính của các trường đại học tư thục có thể thấy nguồn thu chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là từ học phí, gần như chiếm gần 100% doanh thu. Bên cạnh đó là nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nguồn thu hợp pháp khác như tài trợ từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... nhưng các khoản này chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Lý giải vấn đề này, hiệu trưởng một trường đại học tư thục cho biết: Chính vì nhắm đến tăng nguồn thu từ học phí nên các năm qua, hầu hết trường đại học tư thục liên tục mở ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Con số doanh thu tăng qua từng năm đó là nhờ vào việc tăng chỉ tiêu.
“Với các trường đại học công lập chưa tự chủ, học phí thường được tính 50% từ người học và 50% còn lại là từ ngân sách nhà nước cấp. Nhưng với trường đại học tư thục, tất cả các khoản từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, điều kiện thực hành thực tập... đều phải chi từ nguồn học phí nên họ luôn tìm cách tăng nguồn thu. Chính vì vậy, ngoài tăng chỉ tiêu để tăng nguồn thu, nhiều trường còn áp dụng chính sách điều chỉnh tăng 10%-20% học phí cho những năm tiếp theo với sinh viên các khóa cũ. Và hệ quả tất yếu là người học, sinh viên, sẽ phải tăng gánh nặng học phí qua từng năm”, vị hiệu trưởng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận, một trường đại học mà chỉ chăm chăm vào tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng học phí thì nguy cơ “bỏ chất theo lượng” luôn hiển hiện, và dĩ nhiên gánh nặng học phí luôn đè lên vai người học!
Theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH công lập tự chủ hiện nay cũng có doanh thu ngàn tỷ đồng. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân doanh thu năm 2022 đạt 1.061 tỷ đồng (trong đó thu học phí 836,2 tỷ đồng); ĐH Kinh tế TPHCM trong năm 2022 doanh thu 1.443 tỷ đồng (thu học phí 960,9 tỷ đồng); Trường ĐH Cần Thơ có doanh thu 1.119 tỷ đồng trong năm 2022 (ngân sách nhà nước 425,7 tỷ đồng, học phí 578,2 tỷ đồng); Trường ĐH Tôn Đức Thắng thu 1.067 tỷ đồng (ngân sách 5,81 tỷ đồng, học phí 963,7 tỷ đồng)…
Cùng với đó, nhiều trường ĐH công lập tự chủ hiện cũng có mức học phí khá cao. Trường ĐH Y Dược TPHCM có mức học phí 41,8-77 triệu đồng/năm; Trường ĐH Luật TPHCM có mức học phí 31,25-165 triệu đồng/năm và lộ trình tăng học phí đến năm 2026-2027 là khoảng 44,75-219,7 triệu đồng/năm; Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) mức học phí trung bình là 30 triệu đồng/năm đối với sinh viên hệ đại trà (tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2022), nhóm ngành có học phí 80 triệu đồng/năm áp dụng với sinh viên chương trình chất lượng cao, tiên tiến (tăng 8 triệu đồng); chương trình đại trà của ĐH Kinh tế TPHCM có học phí khoảng 12,63-15,95 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành (mỗi năm sau tăng thêm khoảng 10%), chương trình chất lượng cao khoảng 30-47 triệu đồng/năm học (tùy dạy bằng tiếng Việt hay tiếng Anh), chương trình cử nhân tài năng (dạy học hoàn toàn bằng tiếng Anh) có học phí dao động 60-70 triệu đồng/năm...
Liên tiếp hai năm 2021-2022, số trường tuyển vượt chỉ tiêu tăng so với những năm trước và không cập nhật lên hệ thống về tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, vừa học vừa làm, từ xa. Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết đã xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2022.
Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu dù không được phép. Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học, thạc sĩ; Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…