Trước thực tế đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TPHCM Đỗ Mạnh Bổng cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn TPHCM” và bảo vệ thành công đề tài, được đánh giá xuất sắc. PV Báo SGGP có cuộc phỏng vấn trưởng nhóm nghiên cứu Đỗ Mạnh Bổng về vấn đề này.
Viện trưởng Viện KSND TPHCM Đỗ Mạnh Bổng |
Chuyển hóa tài sản phạm tội sang bất động sản
* PHÓNG VIÊN: Vì sao nhóm lựa đề tài này để nghiên cứu, bảo vệ?
* Viện trưởng Viện KSND TPHCM ĐỖ MẠNH BỔNG: Giai đoạn năm 2015-2020, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử, thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Viện KSND TPHCM nhận thấy, tội phạm kinh tế, tham nhũng có diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản không đạt tỷ lệ trên 60% như Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực yêu cầu.
Chúng tôi chọn nghiên cứu hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhằm tìm các biện pháp, giải pháp phù hợp nâng cao tỷ lệ tài sản cần thu hồi của Nhà nước, nhân dân bị chiếm đoạt, gây thiệt hại, thất thoát.
* Nhóm thực hiện đề tài đặc biệt quan tâm đến vấn đề gì, thưa ông?
* Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, mục đích cuối cùng là phải thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát. Có khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bao nhiêu vụ đi chăng nữa mà tài sản không thu hồi được thì ý nghĩa cũng không cao. Do đó, quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản từ sớm. Phát hiện sớm là cách thức tốt nhất để ngăn chặn tẩu tán tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
* Vậy tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp do những nguyên nhân nào?
* Tỷ lệ thu hồi tài sản thấp có nhiều lý do. Đó là do nhận thức của cán bộ thực thi trong giai đoạn đầu trong công tác thu hồi tài sản. Các quy định pháp luật liên quan còn bất cập, chưa đồng bộ dẫn đến việc ngăn chặn, cưỡng chế thu hồi chậm và tài sản bị tẩu tán trước khi bị phát hiện.
Đấu tranh chống tham nhũng đi sau hành vi tham nhũng, thậm chí tham nhũng xảy ra rất lâu sau đó mới phát hiện rồi xử lý, truy tìm và thu hồi tài sản. Trong khi các đối tượng tham nhũng có trình độ, am hiểu pháp luật, đã chủ động tìm cách che dấu, tẩu tán tài sản từ sớm. Cơ quan chức năng thì đi sau, phải lần theo con đường che giấu tài sản, gặp khó khăn trong việc thu hồi.
* Các tài sản tham nhũng thường được tẩu tán, che giấu dưới hình thức nào?
* Chúng tôi thực hiện nghiên cứu thực tiễn tại TPHCM và các địa phương có tính chất tương đồng về mức độ phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Đà Nẵng… và xác định, các đối tượng chuyển hóa tài sản tham nhũng thành tài sản cá nhân, thậm chí chuyển ra nước ngoài. Tỷ lệ tài sản bị chiếm đoạt chuyển hóa sang bất động sản là cao nhất. Một số đối tượng mua vàng, mua USD, cổ phần, cổ phiếu để tích trữ. Rất ít đối tượng để tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thực tiễn cho thấy, khi vụ án, bị can bị khởi tố thì tài sản hầu như còn rất ít. Do vậy, khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, các cơ quan chức năng có ngăn chặn chuyển hóa, tẩu tán tài sản sẽ giúp việc thu hồi tài sản về sau được thuận lợi.
Ngay cả trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài để xin quốc tịch hoặc thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài… bị phát hiện vẫn thu hồi được. Ví dụ vụ án “tổ chức đánh bạc và rửa tiền” do Phan Sào Nam và đồng bọn điều hành, Viện KSND Tối cao cùng các cơ quan công tố của Singapore thu hồi được hàng triệu USD.
Hết đường “hy sinh đời bố, củng cố đời con”
* Liệu ngăn chặn từ sớm có chặt được suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”?
* Đúng là một số đối tượng chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con” và thực hiện hành vi tham nhũng, lấy tài sản chuyển hóa, cất giấu cho đời con, đời cháu. Điều đó đòi hỏi, từ đầu phải có biện pháp ngăn chặn chuyển hóa tài sản. Cùng với đó là phải giám sát tốt việc thực hiện kê khai tài sản, công khai minh bạch tài sản của cán bộ, đảng viên.Vụ án Alibaba là điển hình về công tác phối hợp ngừng các giao dịch để ngăn chặn tẩu tán tài sản.
* Nhưng ngăn chặn sớm thì có vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân?
* Dù có sử dụng biện pháp ngăn chặn từ sớm thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, để vừa bảo vệ người thực thi công vụ, vừa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, chúng ta cần luật hóa các biện pháp này. Song song đó là có quy định chi tiết những biện pháp chứng minh tài sản, xác định nguồn gốc tài sản, đặc biệt liên quan đến việc chuyển hóa tài sản cho đời con, đời cháu có biểu hiện bất thường, nghi vấn.
Chúng ta thử hình dung, khi xác minh tài sản, một người chưa đến tuổi trưởng thành hoặc trường hợp nghề nghiệp, thu nhập không ổn định mà lại có tài sản nhiều tỷ, đứng tên sở hữu nhà cửa có giá trị lớn thì phải yêu cầu chứng minh nguồn gốc tài sản đó. Nếu họ không đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp thì cơ quan chức năng bắt buộc phải tạm dừng giao dịch để xác minh.
* Từ đề tài, nhóm có các đề xuất cụ thể gì để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tại TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, thưa ông?
* Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ quan. Đề tài nhấn mạnh đến công tác phối hợp, trao đổi thông tin, nắm bắt thông tin cho đến quá trình tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở để đơn vị hoàn thiện Quy trình giải quyết án kinh tế, tham nhũng và thu hồi tài sản trong các giai đoạn tố tụng theo nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan CSĐT, viện KSND và thi hành án dân sự.
Viện KSND TPHCM cũng đề xuất Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TPHCM cho xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan chức năng về thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn.
Nhóm cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan hữu quan (kiểm toán, thanh tra, cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND...) từ khi thanh tra, kiểm toán và quá trình thụ lý tin báo, điều tra, truy tố, xét xử. Việc này nhằm bảo đảm thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.
* TS VÕ THỊ OANH, Giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM, thành viên Hội đồng Nghiệm thu đề tài khoa học, người phản biện 1:
“Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn TPHCM” là đề tài nghiên cứu đầu tiên tại TPHCM về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đề tài đã nêu lên được thực trạng thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TPHCM để làm cơ sở cho việc xây dựng giải pháp thu hồi tài sản hiệu quả hơn.
* ThS MAI VĂN SINH, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM, thành viên Hội đồng Nghiệm thu đề tài khoa học:
Tôi đánh giá cao đề tài khi nhóm nghiên cứu đã khảo sát toàn diện từ giai đoạn tin báo tố giác tội phạm đến giai đoạn điều tra, xét xử, thi hành án. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là các biện pháp ở giai đoạn tiền tố tụng, ngăn chặn từ sớm các đối tượng chuyển hóa, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Biện pháp đó sẽ giúp cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.
Theo Cục Thi hành án Dân sự TPHCM, trong 5 năm (từ ngày 1-10-2017 đến ngày 30-9-2022), kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã thi hành án xong là gần 47.000 tỷ đồng/72.500 tỷ đồng số có điều kiện thi hành án (trong đó, số thụ lý là hơn 106.800 tỷ đồng).
Đối với án tham nhũng, chức vụ, trong 5 năm đã thi hành hơn 11.300 tỷ đồng/22.600 tỷ đồng số có điều kiện thi hành (trong đó, số tiền phải thi hành là hơn 27.000 tỷ đồng).