Sự nở rộ của các dịch vụ theo mô hình KTCS đã làm xuất hiện lo ngại chính đáng về cạnh tranh không bình đẳng do thiếu cơ sở pháp lý, TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nêu nhận định tại hội thảo "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 30-11.
Lấy ví dụ điển hình là vụ kiện giữa Vinasun với Grab mà bản án phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, theo đó Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng, chuyên gia này cho rằng vụ kiện đã đặt ra yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý những xung đột tương tự; tình huống pháp lý khác liên quan đến dịch vụ lưu trú. Các chủ thể kinh doanh cơ sở theo phương thức truyền thống đang chịu rất nhiều ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh cũng như những thủ tục hành chính kèm theo, trong khi những chủ thể kinh doanh thông qua Airbnb lại không phải chịu những ràng buộc tương tự.
TS. Hoa nhìn nhận, cạnh tranh không bình đẳng giữa mô hình kinh doanh truyền thống và KTCS chủ yếu bởi chi phí tuân thủ của các chủ thể kinh doanh 2 mô hình này không giống nhau. Nhưng không chỉ có vậy, còn rất nhiều vấn đề khác cũng đang vướng mắc trong mô hình KTCS, liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các vấn đề về lao động, an sinh xã hội; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý thuế…
“Trong khi đó, hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một, mà có thể là nhiều nạn nhân”, bà Hoa cảnh báo.
Trên cơ sở những phân tích này, chuyên gia pháp lý khuyến nghị, tuy chưa cần thiết ban hành luật riêng để điều chỉnh KTCS, nhưng cần tập trung xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của KTCS. Chẳng hạn như rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia KTCS; rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân và đặc biệt là rủi ro biến tướng thành “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng.
Bên cạnh đó, cần có tư duy lập pháp mở và linh động để các nhà lập pháp “đồng hành” cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox); nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; hạ thấp các rào cản thị trường…
Đáng lưu ý, đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, vấn đề cấp thiết hiện nay là sớm ban hành khung khổ pháp lý để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh cũng như hoạt động dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.