Ngăn chặn những ý đồ xấu núp bóng “nhân quyền”

Quan điểm về đảm bảo nhân quyền, coi con người là trung tâm của sự phát triển là định hướng chiến lược, triết lý hành động xuyên suốt sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. 

Song, ở một khía cạnh khác, nhân quyền cũng là “chiêu bài” được các thế lực thù địch, đối tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa, cơ hội chính trị lợi dụng để chống Việt Nam. Họ đồn thổi, đưa ra các thông tin không chính xác nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế, khuếch đại hạn chế trong thực hiện nhân quyền của nước ta.

%3a.jpg
TAND huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh xét xử vụ án về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ảnh: CÔNG AN TỈNH TRÀ VINH

Lẽ phải thuộc về chúng ta

Các thế lực thù địch, tiêu cực tự cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “vi phạm nhân quyền” và đối xử thô bạo với một số cá nhân vi phạm pháp luật (được cho là nhà hoạt động nhân quyền); cho rằng việc bắt giam, kết án những cá nhân đó là “trừng phạt vô nhân đạo” vì “động cơ chính trị”.

Vừa qua, cùng với sự kiện đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 7 đến 10-5-2024, một số tổ chức, trang báo chống phá ta đã đưa nhiều tin, bài, đưa các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam cũng như triển khai các hoạt động “kêu gọi trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi nhân quyền”. Ngày 3-6-2024, khi ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú) dừng bộ hành, họ đã cho rằng nhà chức trách Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, vô cớ bắt giam ông...

Mục đích của các đối tượng thù địch, chống phá là tạo dư luận xấu, kích động cộng đồng quốc tế phê phán nước ta; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, khiến nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước, tiến tới phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn ở Việt Nam đã bác bỏ, vạch trần những âm mưu, ý đồ đó.

Trong “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Vấn đề nhân quyền được ghi nhận qua các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn một chương (Chương 2) quy định về quyền con người, quyền công dân. Nước ta cũng tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và đang nỗ lực để nội luật hóa pháp luật quốc tế hướng đến hiện thực hóa cao nhất các quyền con người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều thành tựu; an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân cơ bản được bảo đảm và ngày càng nâng cao chất lượng. Việt Nam đã hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo…

Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2022 của Việt Nam đạt 0.726, đứng thứ 107/196 quốc gia, được Chương trình phát triển Liên hợp quốc đánh giá thuộc nhóm phát triển con người cao, đạt tiến bộ ổn định trên tất cả khía cạnh của HDI.

Tại phiên đối thoại về Báo cáo Quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền tháng 5-2024 có 133 nước tham dự, đa số các nước đều đánh giá cao Báo cáo của Việt Nam, ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu trong đảm bảo quyền con người.

Nga đánh giá cao những nỗ lực trong củng cố hệ thống y tế, giáo dục, hỗ trợ các dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền tự do tôn giáo và bình đẳng giới. Mỹ hoan nghênh những tiến triển trong đảm bảo quyền của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Anh ghi nhận tiến triển trong đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đức, Canada, Anh hoan nghênh việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh… Vì vậy, hoạt động của các đối tượng chống phá Việt Nam trong dịp này diễn ra rất lạc lõng, rời rạc, hầu như không được ai chú ý.

Vững bước trên con đường đổi mới

Trong việc ông Thích Minh Tuệ, Chính phủ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để ông tu tập như hạnh nguyện. Song, khi số lượng người tập hợp đi theo ngày càng đông, gây ảnh hưởng đến bản thân ông cũng như gây mất trật tự, an toàn xã hội, một số người đã ngất xỉu, thậm chí có người tử vong nên cơ quan chức năng đã thuyết phục và ông Thích Minh Tuệ đã đồng thuận chấm dứt bộ hành, trở về Gia Lai.

Những thông tin về ông được công an tổ chức cho làm căn cước, trao căn cước công dân, bày tỏ nguyện vọng của bản thân đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là hai bản tin vào ngày 8 và 9-6-2024 trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đã dập tắt mọi đồn đoán vô cớ, những ý đồ bất chính của các đối tượng cố tình gieo rắc tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Với các “nhà hoạt động nhân quyền” được kêu gọi trả tự do thực ra chỉ là những cá nhân vi phạm pháp luật được các thế lực thù địch, chống phá tìm cách đánh tráo khái niệm, dùng lý do dân chủ, nhân quyền để bào chữa.

Trường hợp bà Hoàng Thị Minh Hồng (Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển) bị Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 3 năm tù, lại được một số người lan truyền thông tin sai trái là bà Hồng bị bắt giam do hoạt động nhân quyền môi trường, có nguy cơ “đối mặt với án tù bảy năm nếu bị kết tội”, “có thể bị tù trong một hệ thống nhà tù nổi tiếng về tra tấn và thiếu trách nhiệm”... Sự thật, bà Hoàng Thị Minh Hồng đã bị khởi tố điều tra với hành vi trốn thuế với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng.

Tương tự là trường hợp các ông Trương Huy San, lao động tự do và Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự)...

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nước ta luôn nỗ lực không ngừng để giành và giữ nền độc lập dân tộc; phòng ngừa, đấu tranh trước mọi sự chống phá; nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta đang vững bước trên con đường đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Điều đó, trên tất cả và hơn tất cả đều hướng tới con người, thực hiện dân chủ và nhân quyền cho con người. Lẽ phải thuộc về chúng ta, mọi sự chống phá, mọi sự xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền đều đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, đều nhằm thực hiện mưu đồ bất chính mà thôi.

Tin cùng chuyên mục