Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31-12-2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283.200 tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng, tương đương vượt 5,9% dự toán (tăng 43.700 tỷ đồng so báo cáo Quốc hội), đạt mức động viên 25,6% GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.
Về chi NSNN, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán. Bội chi NSNN năm 2017 là 174.300 tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích của ngành tài chính đã đạt được nhưng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Chẳng hạn như chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài 5 - 10 năm.
Về thu ngân sách, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu NSNN hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua Facebook… Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Về chi ngân sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần rà soát kỹ các điểm nghẽn, các bất cập trong bài toán cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.
“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP Đà Nẵng. Nhà nước được gì?”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Thủ tướng nêu tiếp thực trạng cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng hiện còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng, quản lý kinh tế nói chung. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xử lý ngay vấn đề này, đưa nhanh vào áp dụng hóa đơn điện tử trong nền kinh tế, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế “đi đêm” với doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”.
Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng. Toàn ngành tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”.