Ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên vật nuôi

Vừa qua, tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Khu du lịch) thuộc phường Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có 21 con hổ, báo chết do nhiễm cúm A/H5N1 đang đặt ra vấn đề kịp thời phát hiện, khoanh vùng ổ dịch nhằm ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan sang người và vật nuôi khác. PV Báo SGGP đã lược ghi một số ý kiến trao đổi của lãnh đạo một số cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xung quanh vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, Chi cục đã lấy thêm 5 mẫu bệnh phẩm hổ, 1 mẫu bệnh phẩm báo gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm, xác minh virus cúm A/ H5N1 có lây đa loài hay không và lấy 70 mẫu xét nghiệm từ các loài thú, gia cầm xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5N1. Lực lượng thú y đang phối hợp với khu du lịch tổ chức tiêm phòng vaccine cho toàn bộ gia cầm và các loài có nguy cơ nhiễm cúm gia cầm tại vườn thú; dự kiến trong 1-2 ngày sẽ hoàn tất việc tiêm phòng cho các loài trong vườn thú này. Trong tổng số 16 tấn thịt gà cung cấp thức ăn cho khu du lịch này, có 2-3 tấn thịt chưa được làm rõ đến từ đâu khiến việc truy tìm nguồn gốc rất khó vì quy trình quản lý sản xuất, vận chuyển thức ăn bị đứt khúc. Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục làm việc để xác định nguyên nhân sự chênh lệch về số liệu giữa đơn vị mua và bán, có thể có tình trạng trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc và không ngoại trừ nguyên nhân lây bệnh đến từ động vật hoang dã (chim…), từ con người từ bên ngoài vào khu du lịch, người từ trong khu du lịch ra.

Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nguồn gốc lây bệnh trên số hổ, báo chết hàng loạt đến nay vẫn chưa xác định nên khu du lịch Vườn Xoài cần xây dựng quy trình chặt chẽ hơn trong kiểm soát nguồn thức ăn cho vật nuôi và phải truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, việc đánh giá tổng thể tất cả các loài có khả năng bị nhiễm cúm A/H5N1 tại khu du lịch là rất cần thiết và KDL cần thực hiện đúng quy trình các kỹ thuật khử trùng, tiêu độc. Bác sĩ Phan Văn Phúc nói: “Khu du lịch Vườn Xoài có khoảng 30 người tiếp xúc với các con thú bị bệnh, trong đó đã phân tầng những người có tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc qua trung gian và tiếp xúc xa đối với vật nuôi nhiễm bệnh. Điều quan trọng nhất vẫn là bảo vệ con người nên khu du lịch không được chủ quan, buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh, không để lây sang người”.

Đề cập các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch cúm A/ H5N1, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, Sở NN-PTNT tỉnh và cơ quan liên quan đã làm việc với khu du lịch Vườn Xoài, trong đó yêu cầu đơn vị hạn chế cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập/xuất động vật; thực hiện nghiêm ngặt việc theo dõi sức khỏe của những cá thể hổ còn lại trong đàn, cách ly và thực hiện tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt thú đồng thời trang bị bảo hộ cho người chăm sóc tại khu du lịch. Đặc biệt, khu du lịch cần áp dụng quy định hạn chế người tiếp xúc với các cá thể động vật có nguy cơ lây bệnh. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ phối hợp truy xuất nguồn gốc lây nhiễm dịch cúm A/H5N1, nhất là từ nguồn gà được sử dụng cho thú ăn.

Tin cùng chuyên mục