Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

Dù số ca tử vong do Covid-19 đang được kiểm soát ở mức thấp nhất, nhưng thực tế những ngày gần đây số ca mắc mới luôn ở mức trên 2.000 ca/ngày, cùng với bệnh nhân nặng nhập viện khá nhiều. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tăng cao do các biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron được ghi nhận phổ biến tại nhiều địa phương. Không chỉ có vậy, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện, tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch theo thời gian và có thể khiến dịch bùng phát trở lại. 

Cùng với dịch Covid-19 phức tạp, các dịch bệnh lưu hành lâu nay như sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều nơi. Từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước có trên 137.000 người mắc sốt xuất huyết với 45 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp). Điểm nóng của dịch sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn tại phía Bắc, dịch bệnh cúm mùa, cúm A lại có số ca mắc tăng cao bất thường, trong đó riêng Hà Nội ghi nhận khoảng 3.000 ca. Đáng lo ngại, một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp cấp rất nặng và một số trường hợp đã tử vong. Cùng với đó là dịch bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. 

Đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, dù Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm 1 - các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng các chuyên gia dịch tễ liên tục cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào nước ta rất lớn, khi nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca mắc. Trong khi việc giao lưu, đi lại giữa các nước với nhau ngày càng thuận tiện và cởi mở. 
Trước những nguy cơ trên, mới đây, tại hội nghị toàn quốc về tăng cường phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn chỉ rõ, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước đang mùa cao điểm làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, còn tình trạng chủ quan, lơ là, một số nơi chưa quyết liệt, chưa phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong thực hiện các biện pháp phòng chống

dịch.
Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch chồng dịch, đòi hỏi các địa phương, đơn vị chức năng phải đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, đòi hỏi ngành y tế và các đơn vị, địa phương đẩy mạnh truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vaccine; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thông qua kết hợp các phương pháp: “2K” (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác, để qua đó chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Về phía người dân, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tiêm chủng đầy đủ vaccine, tăng cường chất dinh dưỡng và luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục