Theo Bộ NN-PTNT, những năm vừa qua, Thủ tướng đã quan tâm, bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều, trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có mỏ vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, trong đó có những tuyến đê mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Thực hiện quy định của pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ thành quả đầu tư, trong công văn số 4671 do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ký ngày 14-7, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời bố trí ngân sách địa phương để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê gây ra, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.
Vừa qua, dư luận liên tục phản ánh thực trạng đê tả và hữu sông Chu ở Thanh Hóa được đầu tư tới 150 tỷ đồng từ tiền ngân sách để xử lý các sự cố, nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại bị xe quá tải tàn phá mặt đê. Nguyên nhân là dọc sông Chu có nhiều mỏ được cho phép khai thác cát sỏi xây dựng.
Sau đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ngăn chặn tình trạng xe quá tải đi trên hai bờ sông này. Thế nhưng hiện nay tình trạng vi phạm vẫn cứ tái diễn. Trong khi thiết kế mặt đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn thì xe chở cát 40 tấn vẫn chạy qua lại.
Tại sông Cầu qua địa bàn huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (Bắc Giang) có chiều dài 27,6km cũng được ngân sách nhà nước đầu tư hơn 145 tỷ đồng để sửa chữa, nhưng sau thời gian ngắn cũng bị xe quá tải tàn phá.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2020 do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 6-7 vừa qua, nhiều đại biểu đã đề nghị xử lý nghiêm và ngay các trường hợp vi phạm trên hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Cả, sông Mã và đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đỗ Văn Thành, cứ đầu tư hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ để thả kè chắn sóng, bảo vệ đê điều nhưng vẫn cho khai thác cát sỏi thì không tiền đầu tư nào cho đủ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị hoàn thiện ngay các văn bản hướng dẫn Luật Đê điều đã được Quốc hội thông qua để xử lý các vi phạm và xây dựng ngay kịch bản ứng phó mưa lũ cho các địa phương trong mùa mưa lũ bão năm nay.