Không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng không được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra tại gia đình trong thời gian dài mới bị phát hiện. Có những vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác. Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến số vụ việc đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Qua các vụ án xâm hại trẻ em cho thấy đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi…
Nay một sư cô cũng có hành vi xâm hại trẻ em tàn nhẫn, cho thấy cần phải hết sức cảnh giác, cùng chung tay ngăn chặn vấn nạn này. Không ít trường hợp, lẽ ra gia đình là mái ấm che chở cho trẻ, lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng đối với trẻ. Người lớn sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên đầu những đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Đây là tình trạng đáng báo động và là “tảng băng chìm” rất khó xác định về số lượng trẻ em bị xâm hại trong thực tế.
Bạo hành trẻ là tội ác, để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Thương tổn về tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Trẻ bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti, hoặc thù hận đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong hành trình tương lai dễ bị lệch lạc một cách đáng tiếc.
Thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước và việc bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng ở các địa phương còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả. Vì lẽ đó, cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ trẻ em ở các cấp. Kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc, yêu cầu huyện phải có cán bộ làm chuyên trách trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy cộng đồng và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền để chính trẻ em có nhận thức là mình có quyền được bảo vệ khỏi nạn bạo hành bất kể dưới hình thức, mức độ nào và bất cứ ai.