Với nạn mãi lộ, bảo kê, mua đường, cơ quan chức năng có thể đã nhìn thấy sự thật, biết rõ những gì đã xảy ra, nhưng có lẽ chưa đưa ra công khai và hành động quyết liệt để xóa bỏ cho bằng được những điều tồi tệ đó. Tại sao có rất nhiều CSGT trên đường nhưng vẫn xuất hiện không ít xe khách, xe tải quá khổ thản nhiên lưu thông vào khung giờ cấm, thậm chí là đường cấm, lại còn chạy quá tốc độ? Bởi vì những tài xế cố tình vi phạm đã được bỏ qua, không bị xử lý theo quy định. Tiêu cực trong lực lượng CSGT là có, nhưng hiếm khi bị bắt quả tang, và không phải nơi nào cũng dám tố cáo như vụ việc xảy ra lần này.
Mất mát lớn nhất ở đây không chỉ là thiệt hại, hậu quả đã xảy ra, mà còn là đạo đức và niềm tin. Từ đó có thể dẫn đến hệ thống làm việc, giá trị và chuẩn mực xã hội bị lộn ngược, theo hướng coi trọng các mối quan hệ mờ ám hơn là ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm, lẽ phải. Đây còn tiềm ẩn tình trạng suy thoái nhân cách, làm phát sinh các thứ “bệnh” mà trước đây không có, hoặc nếu có cũng không tới mức nghiêm trọng, như bệnh tham nhũng, gian dối, chạy chọt, sống hai mặt, hành xử vô nguyên tắc và bất chấp pháp luật ở một số người nắm giữ quyền lực, biến chất ở bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ. Pháp luật bị xem thường và thậm chí nhiều khi là không được áp dụng, xã hội nghi ngại tính thực tiễn của pháp luật, bởi những cán bộ được trao quyền quản lý và thực thi nhiệm vụ lại đi bảo kê, bỏ qua, khiến pháp luật bị triệt tiêu hoàn toàn.
Từ vụ việc CSGT tố cáo lãnh đạo cấp đội và phòng thuộc Công an tỉnh Đồng Nai, có thể mở đường cho việc củng cố niềm tin và xây dựng sự nghiêm minh tuân thủ pháp luật, chặt đứt quy trình tiêu cực mãi lộ, bảo kê, mua đường. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, phải dẹp cho được những sự thật tồi tệ đó, hãy cắt bỏ những ung nhọt, dù có đau đớn.