Vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng này đã phần nào cho thấy công tác thanh tra cũng như công tác hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra của Bộ Xây dựng còn thiếu chặt chẽ: những người đang thực hiện công vụ, làm công tác chống tham nhũng có thể lộng quyền, nhũng nhiễu khi phát hiện vi phạm, vì trong khi thi hành công vụ họ có thể “thay trắng đổi đen” trong tầm tay của mình, bỏ qua cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hàng năm của các bộ ngành là nhằm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Với chức năng nhiệm vụ của mình, đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoàn toàn có thẩm quyền lập biên bản để xử lý các hành vi vi phạm hành chính; đối với các hành vi vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng và có dấu hiệu của hành vi tội phạm, đoàn thanh tra, kiểm tra có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để đề nghị điều tra, làm rõ.
Thế nhưng, thực tế có những người làm công tác thanh tra, kiểm tra đã sử dụng công cụ quyền lực mà Nhà nước trao cho mình để kiếm chác, vòi vĩnh, thỏa hiệp với các hành vi vi phạm pháp luật. Thế nên đã có những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng chỉ bị phát hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố vụ án hình sự; trước đó đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các đoàn thanh tra nhưng không phát hiện ra sai phạm.
Điều đó cho thấy, ngoài yếu kém về năng lực chuyên môn cũng không tránh khỏi việc thương lượng, dẫn đến thỏa hiệp, bỏ qua cho các hành vi sai phạm. Hậu quả của việc thỏa hiệp để đôi bên cùng có lợi này là pháp luật nhà nước đã bị xem thường, cơ quan, doanh nghiệp vi phạm vẫn tiếp tục hành vi vi phạm.
Người đứng đầu các bộ ngành có cán bộ, cấp dưới vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, hoàn toàn không thể vô can. Việc kiểm tra, giám sát sau thanh tra, kiểm tra cần chặt chẽ hơn, nhằm ngăn ngừa, chấn chỉnh các sai phạm của những người thực thi công vụ.