“Ngoạm” cả Vườn quốc gia Cát Tiên
Chiếc canô lướt nhanh chở chúng tôi dạo một vòng trên khúc sông chừng 5 - 6km tại ngã ba sông Đồng Nai đoạn qua phường Thạnh Phước và xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên), tiếp giáp với xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Hoạt động khai thác cát khiến khu vực sạt lở ngày càng rộng, nhiều hécta vườn tược không còn dấu tích, có chỗ bị khoét sâu lộ hàm ếch; có nhà xuất hiện vết sụt lún sâu, tường bị “xé toạc”. Hiện có 50 hộ dân thuộc phường Thạnh Phước và xã Thạnh Hội đang thấp thỏm lo âu vì sinh mạng treo trước miệng “hà bá”, chưa thể di dời.
Cù lao Rùa được người dân Đồng Nai gọi là vùng đất tứ linh với Long - Lân - Quy - Phụng. Con sông Đồng Nai như con rồng uốn lượn, mà đầu rồng là núi Bửu Long, đuôi rồng là núi Châu Thới. Ở ngay bên cạnh đầu rồng Bửu Long, dòng sông Đồng Nai chẻ làm 2 nhánh, ôm lấy một cù lao Rùa, hay còn gọi là cồn Quy. Tuy nhiên nơi đây đang bị xâm hại với gần chục điểm sạt lở dài khoảng 300m. Trong đó, đoạn “cổ rùa” bị xói lở từ hai phía còn khoảng 80m. Nếu tiếp tục bị lở, “cổ rùa” chắc chắn sẽ bị cắt lìa, lúc đó 2 nhánh sông nhập lại và quá trình xói lở sẽ gia tăng hơn nữa. Gia đình ông H.V.N (ấp Tân Hội, xã Tân Hội), có 200m2 đất đã bị cuốn trôi, tường nhà bị nứt toác, móng bị sụt lún nghiêng theo hướng bờ sông. Chính quyền địa phương nơi đây đã phải bỏ gần 100 triệu đồng khắc phục sạt lở đất.
Càng về phía thượng nguồn, khu vực sạt lở càng lớn với diện tích chạy dài hàng chục cây số, đáng chú ý là Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước) cũng đang bị xâm hại, có đoạn hơn nửa kilômét và bị ngoạm vào sâu nhiều mét. Chỉ với đoạn sông dài 14km đã có 18 điểm sạt lở tập trung ở khu vực bãi cát giáp ranh giữa trạm Đà Cộ và Đà Mí; hơn 30 điểm sạt lở phía bờ sông thuộc huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng).
Nơi tập kết cát lậu
Rời Tân Uyên xuôi về TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nơi có nhiều bãi tập kết cát lậu. Do hoạt động chui nên các chủ bến thường giấu mặt và cho gắn nhiều camera, cắt cử người điều hành để dễ dàng đối phó với cơ quan chức năng.
Bãi tập kết cát khoảng hơn 1ha của Công ty Mai Thái Sơn nằm ngay đường Võ Thị Sáu (thuộc khu phố 4, phường Thống Nhất), con đường sầm uất nhất của TP Biên Hòa với 1,3 triệu dân. Ít ai ngờ khuất sau những khu nhà cao tầng san sát lại có bãi tập kết cát lậu quy mô lớn, hoạt động rầm rộ nhiều năm liên tiếp. Bãi tập kết luôn kín cổng cao tường, chỉ mở cửa khi có người của công ty ra vào. Mỗi ngày có hàng chục xe tải vào bãi tập kết cát “ăn hàng” sau đó chở đến các công trình xây dựng. Đi vòng vào một con hẻm nhỏ trong khu phố, tiếp tục lội qua một con rạch nhỏ cây cối um tùm, bãi tập kết hiện ra giống một đại công trường với nhiều đống cát nằm kế nhau như những quả đồi trọc. Trên bãi tập kết có vài lều bạt dựng tạm và nhiều vật dụng để người làm nghỉ ngơi và sinh hoạt. Đội máy cuốc, máy xúc, máy cẩu khoảng 5 - 7 chiếc, dài đến chục mét đang vun cát thành những đống lớn đưa lên xe. Tiếng động cơ của các loại máy ầm ĩ dội vào nhà dân.
Gia đình ông B.H. có 4 đời sinh sống khu vực gần đó, cho biết, bãi tập kết cát của Công ty Mai Thái Sơn hoạt động từ những năm 2004-2005, do bà Nguyễn Ngọc Thẳng làm chủ. Trước đây, con kênh gần bãi lúc nào cũng có vài tàu lớn hút cát đưa lên bãi. Do khai thác hết công suất nên cát ngày càng cạn kiệt và công ty đã chuyển vị trí bơm hút cát đến nơi khác. Thời gian gần đây, do nguồn cát xây dựng thiếu hụt nên chủ bãi bỏ tiền mua cát bơm trộm và cát khai thác trên đồi đưa về phục vụ các công trình xây dựng. Do chính quyền đang siết chặt việc khai thác cát, giá cát xây dựng tăng cao nên hoạt động tập kết cát càng rầm rộ hơn trước. “Hàng chục ngàn mét khối cát được công ty mua về với giá 100 - 200 triệu đồng/xe ben. Có khoảng 4 - 5 thợ máy cuốc, máy xúc làm cả ngày lẫn đêm để có cát bán ra thị trường, còn cát mua ở đâu thì không rõ”, ông B.H nói.
Điều đáng ngạc nhiên là cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra và xác định đây là bãi tập kết trái phép nằm ngay trung tâm TP Biên Hòa, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tham mưu dẹp bỏ. Nhưng đến nay, bãi tập kết vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật.
Cần sự giám sát
Trong 2 tháng đầu năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản 369 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong xử lý khai thác cát trái phép đã bắt và tạm giữ hơn 10 phương tiện để xử lý. Có được kết quả này là nhờ công tác phối hợp đồng loạt của các địa phương, nhất là mô hình gắn camera giám sát đem lại hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (TP Biên Hòa) Mai Thành Phương chia sẻ, sông Đồng Nai đoạn qua phường Tân Thạnh dài 2,5km, có 2 bến thủy nội địa Phù Sa, Liên doanh sông Hào và 5 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Để chống “cát tặc”, địa phương đã gắn camera theo dõi các bến thủy nội địa, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, xây dựng chân rết, xây dựng quy chế phối hợp với các phường Bửu Long, Thái Hòa, Hóa An… nên việc quản lý được siết chặt, chưa phát hiện khai thác cát trái phép trong vài năm trở lại đây.
Tương tự, tại phường Thạnh Phước (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Bình cho biết, nơi đây từng là điểm nóng của việc khai thác cát lậu nên chính quyền đã vận động 6 cơ sở kinh doanh mua bán cát chuyển đổi nghề và trấn áp “cát tặc” bằng việc mua canô, xây dựng chốt trực chiến tại ngã ba sông giáp xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), khuyến khích dân ven sông gắn camera ghi lại hình ảnh tàu thuyền bơm hút cát. Trong năm 2019, UBND phường phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra 112 cuộc trên sông, phát hiện 1 ghe bơm hút cát trái phép, 1 ghe vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, 4 ghe hút tay, 2 trường hợp sử dụng xuồng máy, 2 bãi cát không xuất trình được hóa đơn chứng từ… góp phần ngăn chặn hoạt động của “cát tặc”.
Ngày 24-2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong đó, quy định cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng tại các khu vực đang bị sạt lở, bờ sông không ổn định. Các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai triển khai đánh giá hàng năm để nhanh chóng khoanh vùng các khu vực sạt lở, cấm khai thác; phát huy vai trò giám sát, cùng vào cuộc của người dân sống hai bên bờ để ngăn chặn có hiệu quả nạn cát lậu, qua đó góp phần phát triển bền vững dòng sông Đồng Nai. |