LTS: Thời gian qua, lực lượng chức năng 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước đã có nhiều đợt ra quân ngăn chặn hoạt động của các nhóm “cát tặc” trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên sau một thời gian tạm lắng, lợi dụng thời điểm này cơ quan chức năng đang tập trung phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhóm “cát tặc” hoạt động tấp nập trở lại, gây bức xúc cho người dân. |
Thượng nguồn sông Đồng Nai đoạn chảy qua 3 xã Đồng Nai, Thống Nhất, Đăng Hà (thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) dài 20km đang mùa nước cạn. Dọc lòng sông trắng đục, có đoạn đỏ quạch phù sa, trơ đáy, 2 bên bờ bị xẻ toang với nhiều diện tích đất đai, cây công nghiệp đổ ập xuống lòng sông. Đáng ngại nhất là cả chục mái nhà của các hộ dân ven bờ sông ngấp nghé miệng “hà bá”.
Theo chân anh N.V.Đ. (người dân xã Thống Nhất) đi dọc bờ sông, chúng tôi phát hiện hàng chục tàu chở cát với công suất từ 130-150m³, trong đó có nhiều tàu cát không có số hiệu, đang quẩn quanh giữa dòng. Chỉ tay vào 4 tàu hút cát neo đậu ven bờ, anh Đ. cho biết, mấy ngày qua khi có đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc, các chủ tàu “án binh bất động”. Khi đoàn kiểm tra rút đi, việc hút trộm cát tiếp tục tái diễn. Tàu hút cát từ các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước vẫn thường xuyên vượt khỏi khu vực cấp phép, “ngoạm” vào vườn rẫy của các hộ dân. Chủ những tàu cát lậu “ăn theo” nên việc khai thác cát tràn lan, khó kiểm soát.
Chạy xe máy dọc Sao Bọng - Đăng Hà, chúng tôi phát hiện khoảng 30 điểm “tập kết cát” công suất 70.000m³, nằm ven đường. Các bãi tập kết hàng trăm mét vuông là những đụn cát khổng lồ nằm sát nhau. Chỉ chừng 2km đoạn giáp ranh 2 xã Thống Nhất - Đăng Hà đã có tới 28 điểm tập kết. Cát bơm hút được đưa lên các bãi tập kết, rồi trộn đều bằng hàng chục máy múc, máy ủi và đưa lên từng đoàn xe chở đi bán. Cát bụi đang từng ngày làm đảo lộn cuộc sống của các hộ dân nơi đây. “Mỗi ngày có cả trăm xe quá khổ, quá tải chạy ầm ĩ chở cát từ các bãi tập kết gây khói bụi mù mịt bay vào nhà dân gây ô nhiễm. Các tài xế cứ thản nhiên phóng nhanh, vượt ẩu đe dọa tính mạng người qua đường nhưng ít thấy lực lượng tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn”, một người dân bức xúc nói.
Cơ quan chức năng than khó dẹp
Theo người dân sống ở huyện Bù Đăng, từ nhiều năm nay việc khai thác cát tại đây do Công ty Trường Phát “độc quyền”. Công ty này được điều hành bởi vợ chồng ông Tuấn, bao hết mọi hoạt động khai thác và mua bán cát. Đây là đơn vị duy nhất được cấp phép. Đa số cát trong khu vực đều được công ty thu mua. Số cát lậu nhanh chóng thành cát khai thác hợp pháp. Các hoạt động cung ứng cát cũng diễn ra khá suôn sẻ.
Trong vai người đi mua cát để xây dựng công trình trên địa bàn TP Đồng Xoài, chúng tôi đã liên lạc với ông Tuấn. Qua điện thoại, ông Tuấn giới thiệu, Công ty Trường Phát của ông là đơn vị khai thác cát đầu tiên tại huyện Bù Đăng được cấp phép và bản thân ông có thâm niên 20 năm “làm cát”. Khi được hỏi về giấy phép khai thác, ông Tuấn trả lời: “Em yên tâm, anh có vài ba cái giấy phép khai thác cát, lo gì”. Chúng tôi hỏi: “Cơ quan chức năng đã ngừng khai thác cát thì làm sao có cát để bán”. Ông Tuấn khẳng định: Bao nhiêu cũng có. Sau vài câu hỏi liên quan đến đánh giá tác động môi trường, Công ty Trường Phát không được phép hoạt động khai thác cát, ông Tuấn chần chừ rồi đổi giọng: “Việc của anh là đảm bảo cung ứng cát cho em” và cúp máy.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tháng 7-2015, Công ty Trường Phát được cấp phép khai thác cát trên 2 đoạn ở thượng nguồn sông Đồng Nai (dài khoảng 14km) phân chia ranh giới 2 xã Đăng Hà, Thống Nhất (huyện Bù Đăng) và 2 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Do việc khai thác của công ty gây sạt lở nghiêm trọng nên tỉnh Bình Phước đã yêu cầu công ty này tạm ngưng khai thác cát vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, Công ty Trường Phát vẫn lén lút khai thác cát trên các khúc sông và mua lại cát từ tàu cát lậu để có đủ khối lượng lớn cát cung cấp cho các công trình xây dựng.
Ba năm trở lại đây, lãnh đạo 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai đã có nhiều phương án phối hợp, siết chặt quản lý khai thác cát trên lưu vực sông Đồng Nai. Do vậy, nguồn cát xây dựng có nguy cơ thiếu hụt, kéo theo giá cả tăng đột biến. Nếu như vào năm 2017, giá cát xây dựng từ sông Đồng Nai chuyển về TP Đồng Xoài là 240.000 đồng/m³, thì năm nay có thời điểm vọt lên 600.000 đồng/m³. Vì lợi nhuận cao nên các nhóm “cát tặc” bất chấp pháp luật, tìm đủ mọi cách để đối phó lực lượng chức năng. Nạn khai thác cát lậu cứ tái diễn, khi thì âm ỉ, khi thì rầm rộ.
Trong năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước phát hiện và xử lý 14 vụ khai thác cát lậu với 14 đối tượng, tạm giữ 14 tàu khai thác cát lậu, tịch thu 200m³ cát khai thác trái phép, nộp ngân sách nhà nước trên 85 triệu đồng. Chỉ riêng tại xã Đăng Hà, từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã phát hiện 24 tàu khai thác cát trái phép và đã xử phạt 19 tàu với hơn 457 triệu đồng; có 5 tàu đang được củng cố hồ sơ để xử lý. Theo lãnh đạo xã Đăng Hà, việc trấn áp “cát tặc” gặp khó khăn do thiếu phương tiện ngăn chặn trên sông và các đối tượng thường đi từng đoàn, mang theo hung khí, sẵn sàng chống trả để tẩu thoát khi bị phát hiện.
Còn tại xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) cùng với hàng chục bãi tập kết cũ đang làm cầm chừng, mỗi ngày cát vẫn được đưa về chất thành đống lớn như ngọn đồi. Ở đây cũng vừa xuất hiện thêm 2 bãi tập kết cát lậu (tại thôn 5) với công suất hàng ngàn mét khối cát. Theo Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Trần Quốc Tuấn, lợi dụng cơ quan chức năng tập trung chống dịch Covid-19, các nhóm đã hút trộm cát vào ban đêm nên khó phát hiện. Vì lực lượng công an xã vừa mỏng lại vừa yếu nên nạn khai thác - tiêu thụ cát lậu ra sức tung hoành.