Hoàn cảnh xã hội buộc giáo viên phải thay đổi
Theo Th.S Nguyễn Thị Tuấn Anh, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), vài năm trở lại đây, xu hướng giáo dục trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chú trọng đánh giá người học lẫn người dạy ở khía cạnh năng lực, tức là sự tổng hòa của các yếu tố gồm hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm, tình cảm, thái độ, động cơ của cá nhân để giải quyết nhiệm vụ gắn liền với một bối cảnh xã hội nhất định. Điều này thúc đẩy người giáo viên không ngừng hoàn thiện các kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục của nền giáo dục.
Giáo viên Nguyễn Viết Chì, Trường THPT Châu Thành 1 (tỉnh Đồng Tháp), khẳng định “trồng người” phải có sự chung tay của các lực lượng xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, trước những thay đổi của đời sống xã hội, các bậc cha mẹ đôi khi cũng bế tắc trong việc giáo dục con cái.
Ở một số gia đình không có sự thông hiểu lẫn nhau giữa con cái và cha mẹ, người lớn do áp lực với cơm áo gạo tiền không còn thời gian quan tâm con cái.
nguồn lực giáo viên
Đặc biệt, ở tuổi mới lớn, vì luôn muốn được quan tâm nên đôi khi các em “thổi phồng” vấn đề của mình lên quá mức, khiến việc nhỏ trở nên trầm trọng.
Nếu không được giáo viên kịp thời giúp đỡ, học sinh thường có khuynh hướng tự giải quyết vấn đề theo hướng tiêu cực, đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đồng quan điểm, Th.S Nguyễn Kim Chuyên, giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp, phân tích ở độ tuổi học sinh trung học, các em chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, khả năng nhận thức chưa chín chắn và có thể sai lệch nếu không được định hướng phù hợp.
Đây cũng là lứa tuổi đối mặt với rất nhiều áp lực: Trong gia đình là những yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ, ông bà; ở trường là áp lực về học tập, quan hệ với thầy cô, bạn bè; ngoài xã hội, các em phải đối mặt với những cám dỗ của các trò chơi, mạng xã hội.
Chưa kể bản thân các em cũng lúng túng trước những vấn để mới nảy sinh như thay đổi về tâm sinh lý, tình yêu tuổi học trò, lựa chọn nghề nghiệp, thậm chí một số vấn đề nghiêm trọng hơn như lệch lạc giới tính, bạo hành gia đình, tệ nạn xã hội…
Kiến nghị thêm nhiều chính sách cho giáo viên
Mới đây, trong bài nghiên cứu “Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới”, PGS-TS Hà Thanh Việt, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể nào dành riêng cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm.
Theo đó, vị trí, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm chỉ được nêu một cách ngắn gọn tại khoản 4 Điều 10 Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường, và được diễn giải cụ thể hơn trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học.
Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến cách hiểu, vận dụng không giống nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục. Cụ thể, ở nhiều trường học, giáo viên chủ nhiệm được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ ngoài quy định, tạo ra áp lực và tình trạng quá tải cho giáo viên. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ dành cho lực lượng này hiện nay chưa tương xứng.
Từ thực tế đó, nhà nghiên cứu này kiến nghị cần phải coi giáo viên chủ nhiệm là một chức danh quản lý trong nhà trường phổ thông, song song với việc xây dựng, ban hành quy định, văn bản hướng dẫn riêng về công tác chủ nhiệm.
Ngoài ra, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, ngoài sự chăm lo về vật chất, giáo viên hiện nay cần được quan tâm về sức khỏe tinh thần, bởi áp lực nghề đặt ra quá lớn.
Hiện nay, ở một số đơn vị ngoài công lập đã có thêm quy định lương phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự quan tâm căn cơ hơn từ phía cơ quan quản lý, giúp người thầy được chắp thêm đôi cánh trong hành trình đổi mới giáo dục.
Không thể dung dưỡng cái xấu Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, tung lên mạng xã hội khiến dư luận đều phẫn nộ vì hành vi côn đồ. Biện pháp xử lý đối với những học sinh đánh hội đồng bạn học vẫn là chuyện khó xử. Khi hội đồng kỷ luật nhà trường kỷ luật bằng biện pháp buộc thôi học có thời hạn đối với các học sinh có hành vi bạo lực, ngay lập tức, hai luồng ý kiến được bình luận trên các trang báo mạng, mạng xã hội và các trang thông tin điện tử. Có người thì cho rằng đó hình phạt thích đáng; nhưng cũng có nhiều người cho rằng làm thế là giết tương lai của các học sinh đó (có thể dẫn đến những điều không hay mà một vài trường hợp đã xảy ra như tự tử, bỏ nhà đi bụi...). Theo cá nhân tôi thì việc buộc thôi học là điều cần thiết, và cơ quan chức năng sẽ đưa vào trường giáo dưỡng để dạy dỗ. Bởi theo Nghị định 66/2009/NĐ-CP, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính do chủ tịch UBND quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật để học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ 6 tháng đến 2 năm. Chúng ta cứ chiếu theo luật mà làm để xã hội có trật tự, môi trường giáo dục nền nếp. Không thể rao giảng đạo đức rằng cần lấy yêu thương để cảm hóa, cho cơ hội sửa sai, hoặc cho thôi học là đi ngược lại với quốc sách. Ai xem qua các clip bạo lực học đường cũng thấy được sự tàn bạo của những học sinh đánh hội đồng bạn học, như các tay “anh chị” lớn tuổi, đầu gấu chuyên đi đánh thuê. Chúng ta không thể dung dưỡng cho cái ác vì như thế là bất công với gia đình của những em bị đánh, của những bạn trong lớp đó. Có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu để những học sinh có “máu giang hồ” trong lớp, sẽ ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của các bạn, gây xào xáo, học hành sa sút. Không thể vì một, hai quả thối mà làm ảnh hưởng cả một rổ trái cây tươi. TRẦN MINH THI (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) Nhà trường phải tích cực hơn Với đặc thù trẻ có thời gian ở trường khá nhiều, có sự tiếp xúc, va chạm với bạn học nhiều hơn các đối tượng khác, thường chịu sự tác động của thầy cô (theo hình mẫu) và của bạn bè (theo tâm lý đám đông và tâm lý lây lan), nhà trường cần đóng vai “chủ công” trong phòng ngừa bạo lực. Đó là, các giáo viên phải thực sự làm gương trong việc ứng xử trong khi lên lớp cũng như trong sinh hoạt (giữa giáo viên với nhau và với học sinh), trong đó phải hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện có tính chất bạo lực (đánh đập học sinh, dùng lời lẽ, thái độ có tính làm nhục trẻ…). Phải tổ chức quản lý trường lớp thật tốt, tránh hiện tượng có “đại ca”, “đại tỷ”, “đại bàng”, nhất là tình trạng giáo viên sử dụng biện pháp “học sinh trị học sinh”, cũng như hạn chế bất kỳ các biểu hiện “bắt nạt” nào trong nhà trường. Cần thực hiện việc công khai, minh bạch, hợp lý trong các quy định về thi đua (cả dạy và học), về chế độ, các nghĩa vụ của học sinh, tránh gây ra ức chế, bất mãn trong học sinh và giáo viên, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho học sinh. Phải làm tốt công tác tâm lý học đường để kịp thời phát hiện, giải tỏa, xử lý các biểu hiện tâm lý bất thường, tránh để tích tụ thành những tình huống tiêu cực phức tạp. Đồng thời, phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tạo môi trường thực sự lành mạnh ở khu vực xung quanh trường học, như hạn chế các điểm chơi game, các điểm giải trí, các tụ điểm có thể tụ tập những thanh niên chậm tiến…; tích cực phối hợp phụ huynh trong việc kịp thời thông tin với gia đình về những biểu hiện bất thường của học sinh để cùng có biện pháp xử lý phù hợp. Nhà trường với trách nhiệm dạy “văn” và dạy “lễ” cần thiết có những biện pháp để ngăn chặn bạo lực học đường, bởi xét cho cùng, có bất kỳ biểu hiện bạo lực nào trong nhà trường thì khi đó kết quả dạy “lễ” chưa đạt yêu cầu. Do đó, các thành viên thuộc về nhà trường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, giám thị, bảo mẫu, bảo vệ…, phải có ý thức và kỹ năng phù hợp để thực sự xây dựng môi trường sư phạm trong lành, văn minh, tiến bộ. TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM) |