Nhờ sự phát triển của công tác dự phòng và điều trị, đã có những người mẹ bị nhiễm HIV sinh con hoàn toàn bình thường. Song hiện nay, vẫn còn rất nhiều bà mẹ đã từ chối cơ hội này để đem đến cho con mình một sức khỏe, cuộc sống tốt hơn. Mục tiêu đến năm 2020 ngăn chặn thành công lây truyền HIV từ mẹ sang con của Việt Nam vẫn còn khá gập ghềnh.
Giảm dần những “đứa trẻ bất hạnh”
Đều đặn theo định kỳ, chị N.T.L. lại đưa bé T.H. từ An Giang lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TPHCM) khám bệnh. Bé H. bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang con nhưng mãi đến năm 4 tuổi mới được phát hiện bệnh, sau khi bị chảy máu mũi kéo dài. Nói về lý do hàng tháng phải đưa con lên BV Nhi đồng 1 điều trị, chị L. cho hay: “Tôi không dám cho cháu điều trị ở quê vì lo sợ cháu bị những người xung quanh, bạn bè biết nhiễm HIV mà kỳ thị, xa lánh khiến cháu không có được một tuổi thơ bình thường”.
Từ khi ra đời (2005) đến nay, Phòng khám ngoại trú Khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) đã tiếp nhận theo dõi, điều trị cho hàng ngàn trẻ nhiễm HIV ở TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, hầu hết trẻ nhiễm HIV đang điều trị tại khoa đều do lây truyền từ mẹ. Trước đây, khi chưa có chương trình dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con thì số lượng trẻ nhiễm HIV có những thời điểm hơn 1.000 trẻ. Đáng chú ý, sau khi phòng khám ngoại trú này ra đời, số lượng trẻ tử vong do nhiễm HIV đã giảm dần. Nếu như giai đoạn 2005-2011 có 85 trẻ tử vong (chiếm tỷ lệ 1,8%/năm) thì giai đoạn 2012-2014 giảm còn 34 trường hợp (1,4%/năm); từ năm 2015 đến nay chỉ còn 16 trường hợp (0,2%/năm).
Kiểm tra sức khỏe định kỳ của mẹ và thai nhi nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (ảnh mang tính minh họa)
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước có hơn 2,7 triệu phụ nữ mang thai, trong đó có gần 1,4 triệu trường hợp được xét nghiệm HIV (chiếm 50%), phát hiện 1.108 người nhiễm HIV; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chẩn đoán sớm trong vòng 2 tháng sau sinh là 1,8%; gần 2.000 bà mẹ được điều trị ARV; 99% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền mẹ con bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, vẫn còn 50% trong tổng số các bà mẹ mang thai ở nước ta không biết mình có mắc bệnh hay không. Họ cũng không được tầm soát bệnh trong suốt thời gian mang thai và khi sinh.
“Chính điều đó khiến mỗi năm cả nước vẫn ghi nhận xấp xỉ 200 trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ khi chào đời. Với những trẻ này, sức khỏe, cuộc sống và tương lai của các em chắc chắn sẽ gập ghềnh, chông chênh hơn những trẻ khác”, bà Hương lo ngại.
Nâng cao ý thức của thai phụ
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phòng khám tư nhân trên địa bàn TPHCM đã bỏ qua bước tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhất là những khu vực tập trung nhiều công nhân. Đa phần các nữ công nhân làm ở công ty từ sáng đến tối mịt mới về nhà, không có điều kiện đến các BV lớn khám thai, họ đành tìm đến các phòng khám sản tư nhân nhỏ. Chính vì thế, số lượng thai phụ không được tư vấn, tầm soát, xét nghiệm HIV vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, nhiều thai phụ nhiễm HIV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác điều trị dự phòng khi mang thai.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết để tiếp tục kéo giảm số lượng trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con, ngoài việc vận động các phòng khám tư nhân tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM cũng thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, băng rôn kêu gọi tất cả phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm HIV khi mang thai. Đơn vị này cũng cho biết, hiện hệ thống BV, các trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng tuyến quận, huyện và tất cả trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP đã và đang thực hiện xét nghiệm HIV miễn phí cho tất cả mọi người dân khi có nhu cầu. Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM cũng sẽ phối hợp với hệ thống mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV - mà cụ thể là các đồng đẳng viên - tích cực vận động những người đang điều trị ARV thực hiện tránh thai an toàn, sinh đẻ có kế hoạch.
Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh, dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai. Do đó, phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.
UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (diễn ra đến hết ngày 30-6), với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020. Trong tháng hành động, đơn vị chức năng sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đẩy mạnh các can thiệp, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.