Dịch tả heo châu Phi đang mang lại nỗi lo ngại cho tất cả các chủ trang trại và với những người đang sử dụng. Việc ngăn ngừa dịch tả này đang đặt ra thách thức không nhỏ với các địa phương.
Hoang mang với dịch
Cho đến chiều 4-3, anh Vũ Văn Quyết, chủ một trại heo ở thôn 2, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn còn thẫn thờ, không hiểu tại sao hơn 30 con heo của gia đình anh lại lăn đùng ra chết chỉ sau vài đêm. Theo quan sát, trại heo của anh nằm biệt lập, cách xa đường giao thông khoảng 500m và tách hẳn khu dân cư. Trước khi heo chết, anh cũng không mua thêm heo về nuôi. Thế nhưng, buổi sáng thức dậy, anh thấy 2-3 con heo xuất hiện các khoang xuất huyết rồi lăn ra chết. Đến vài hôm sau thì cả đàn heo gồm 30 con cùng bị xuất huyết, đi loạng choạng rồi khuỵu xuống.
“Heo chết không hãm kịp”, anh Quyết kể lại. Biểu hiện trước khi heo chết là có các khoang xuất huyết ở tai, chân rồi lan ra các chỗ khác. Sau đó, heo gục ra chết, không sót lại con nào. Khi thấy bệnh lạ, anh Quyết báo cho cán bộ thú y xã. Chi cục Thú y Hải Phòng về thu thập các mẫu để kiểm tra và cho kết quả đàn heo của anh dương tính với virus gây dịch tả heo châu Phi.
Năm 2017, anh Quyết cũng từng khổ sở vì cuộc khủng hoảng thừa thịt heo, giá rớt thê thảm, buộc phải bán đổ bán tháo. Đến năm 2018, vừa mới phục hồi trở lại thì đầu năm nay lại vấp phải dịch tràn tới. Thiệt hại nhất là trong đàn heo bị dịch chết của anh Quyết có 5 con là heo nái để giúp anh tái đàn và mỗi năm đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng từ tiền bán heo giống. Mỗi con heo nái tôi phải mua 7 triệu đồng. Nếu không bị dịch thì mỗi heo nái cho thu nhập 25 triệu đồng/năm.
Tiêu hủy heo mắc bệnh tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) Ảnh: Văn Phúc
Những ngày này, về huyện Thủy Nguyên, mọi người đều kể về dịch tả heo châu Phi do 4 xã đã có dịch. Riêng tại xã Liên Khê, không chỉ trại heo của anh Quyết, virus gây dịch tả heo đã lây lan ra 4 hộ khác tại thôn 1 và 7. Theo báo cáo, toàn xã Liên Khê đang có 250 hộ nuôi heo tại 11 thôn với tổng đàn là 6.100 con. Vì thế, UBND xã Liên Khê đã huy động ngay lực lượng thú y, cán bộ xã tổ chức cắm hàng loạt chốt ở xung quanh làng, quanh các trại có heo chết để bao vây ổ dịch. Đầu xã Liên Khê, một trạm barie được lập, bất cứ xe cộ, phương tiện lớn nhỏ nào ra vào xã đều phải phun thuốc khử trùng. Quanh các thôn, khu vực tiêu hủy heo dịch hầu như chỗ nào bây giờ cũng phủ trắng toát vôi bột, hóa chất tiêu độc. Tuy nhiên, người dân tại những nơi có heo chết vẫn rất lo lắng vì heo đang nuôi không thể đem giết thịt hoặc bán lại cho thương lái, mà để lại chuồng trại thì sợ tiếp tục bị nhiễm virus từ các đàn heo đã chết.
Ngành chăn nuôi heo gặp khó khăn trước dịch tả heo châu Phi Ảnh: NGỌC PHÚC
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, được phát hiện vào ngày 22-2, đến ngày 4-3, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 38 hộ tại 12 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng, làm 424 con heo bị chết, buộc phải tiêu hủy. Về nguyên nhân lây lan dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Tùng cho rằng, hầu như các khu vực phát sinh virus đều nằm gần các dòng sông lớn như sông Giá, Kinh Thầy, Bạch Đằng và có sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Vì vậy, nguyên nhân lây lan mầm bệnh được xác định có thể do nguồn nước và các xe chở thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh việc lập chốt tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt thì TP Hải Phòng cố gắng sớm nhất để hỗ trợ tiền cho người dân có heo bị chết và tiêu hủy theo Nghị định 02 của Chính phủ là 38.000 đồng/kg heo hơi. Đến nay, một số hộ dân đã nhận được tiền hỗ trợ, các hộ tiếp theo cũng sẽ sớm nhận được hỗ trợ trong thời gian tới.
Kiểm tra heo qua Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn, TPHCM Ảnh: THANH HẢI
Miền Trung: Cấp tập phòng dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, tại các tỉnh miền Trung mặc dù chưa xuất hiện dịch nhưng các tỉnh đang cấp tập triển khai các phương án phòng dịch.
Ông Nguyễn Văn Tình (thôn Phúc Lâm, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là chủ trang trại nuôi heo rộng 10ha, với hơn 2.000 con. Mấy ngày qua, trước thông tin về dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ông Tình lo lắng nên tăng cường các biện pháp phòng dịch rất nghiêm ngặt. Tất cả hệ thống chuồng trại đều được đầu tư theo công nghệ khép kín. Ông Tình cho biết, để ngăn chặn các nguồn lây bệnh, bất cứ ai trước khi vào khu vực chuồng trại buộc phải qua hệ thống khử trùng theo đúng quy định.
Theo thống kê của ngành thú y, tổng đàn heo của 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khoảng trên 1,2 triệu con và đang cấp tập triển khai đồng bộ các phương án, biện pháp để phòng chống bệnh dịch này. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định, cho biết, địa phương có đàn heo đến 800.000 con. Đến nay, tỉnh đã cấp trên 10 tấn thuốc sát trùng để phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ các loại vaccine cần thiết để cung cấp kịp thời nếu phát hiện dịch. Đồng thời kêu gọi người dân cần chủ động, tự giác tiêu độc khử trùng thường xuyên trên đàn heo của mình.
Trao đổi với PV SGGP, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, dịch tả heo châu Phi dù chưa lan đến Quảng Nam nhưng các địa phương trong tỉnh đã khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên gia súc. Đồng thời, thiết lập 2 điểm chốt chặn tạm thời trên tuyến quốc lộ 1 để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Quảng Nam.