Ăn cái đuôi của chính mình
Sổ BHXH thể hiện quá trình tham gia, đóng các chế độ về BHXH hàng tháng của người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, được xem như là cuốn sổ tiết kiệm của người lao động để hưởng các chế độ trợ cấp BHXH về sau này. Thế nhưng, thời gian qua có nhiều trường hợp gặp tình cảnh túng tiền đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố, thế chấp, thậm chí là bán sổ BHXH cho các cá nhân làm dịch vụ về sổ BHXH.
Trên một trang mạng cá nhân có tên “Thu mua sổ BHXH với giá cao” đang rao thu mua sổ BHXH. Gọi đến số điện thoại đăng công khai trên trang này để tỏ ý muốn bán sổ BHXH, sẽ được người phụ trách nhiệt tình hướng dẫn cách bán sổ BHXH và yêu cầu gặp trực tiếp, dặn nhớ mang theo sổ BHXH đã chốt xác nhận thời gian tham gia hoặc đang trong thời gian làm việc. Ngoài việc thu mua sổ, trang mạng này cũng rao nhiều dịch vụ khác về sổ BHXH, giải quyết các nhu cầu: thanh lý sổ BHXH trước thời hạn; đóng BHXH khi đã nghỉ việc từ 6 tháng trở lên và muốn bán sổ BHXH; cần tiền gấp mà không muốn vay mượn ai...
Cùng với các trang mạng xã hội rao nhận dịch vụ thu mua sổ BHXH, hiện nay nhiều đối tượng cũng làm dịch vụ nhận cầm cố, thế chấp hoặc thu mua, thu gom sổ BHXH, hoạt động tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Không ít công nhân bị kẹt tiền đã từng mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền.
Tình trạng công nhân, người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ việc chốt sổ BHXH chờ làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp BHXH, lại mang sổ BHXH của mình để cầm cố, thế chấp, thậm chí là bán sổ BHXH cho các cá nhân làm dịch vụ, đã phát sinh từ khi thực hiện quy định của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý để tiện theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình, cũng như phòng ngừa tình trạng doanh nghiệp không trả sổ khi người lao động nghỉ việc, như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Lợi dụng việc giao sổ BHXH để tự quản lý, có người khi cần tiền đã thế chấp, cầm cố sổ BHXH. Khi bán sổ hay cầm cố thế chấp sổ BHXH, người lao động làm giấy ủy quyền để bên nhận cầm cố, thu mua sổ BHXH có thể đi làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần.
Cần nghiêm cấm thu gom, thu mua sổ BHXH
Theo Quyết định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Điều 27 Nghị định 95/2013 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Những đối tượng làm dịch vụ nhận cầm cố, thế chấp, thu gom, thu mua sổ BHXH cũng chắc chắn sẽ gặp nhiều rủi ro về sau. Bởi lẽ, theo quy định của cơ quan BHXH, để tránh trường hợp các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc ủy quyền nhận trợ cấp một lần, BHXH đã có những quy định chặt chẽ hơn. Tùy từng trường hợp ủy quyền để làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần; nếu xét thấy có nghi ngờ, cơ quan BHXH sẽ liên hệ trực tiếp với người lao động để xác minh. Thực tế đã xảy ra trường hợp một cá nhân nhận ủy quyền của hàng chục người lao động để đến cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần, đã bị cơ quan BHXH từ chối làm thủ tục và tiến hành xác minh. Đó là chưa kể, thời gian tới, có thể sổ BHXH giấy sẽ thay bằng thẻ từ lưu trữ tất cả thông tin của người lao động cũng như quá trình tham gia BHXH.
Để khắc phục tình trạng sổ BHXH bị người lao động mang đi cầm cố hoặc bán và ngăn chặn các đối tượng làm dịch vụ thu mua sổ BHXH, Luật BHXH và Bộ luật Lao động cần có những sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ, phù hợp hơn. Trong đó cần nghiêm cấm các hành vi cầm cố, thế chấp và các hành vi thu gom, thu mua sổ BHXH; có mức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi này.