Mới đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ông H.N.C. (ngụ tại quận 6) đã thô bạo đánh nhân viên điều dưỡng. Video clip cho thấy một người đàn ông cao to lại vung tay đánh vào mặt nhân viên điều dưỡng là một phụ nữ nhỏ bé, không có khả năng tự vệ. Những hành vi côn đồ đó không chỉ gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe của nhân viên y tế, mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở bệnh viện và việc điều trị cấp cứu các bệnh nhân khác.
Bác sĩ Bùi Quang King, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Bác sĩ trực cấp cứu tại các bệnh viện phải chịu áp lực căng thẳng, nhất là khi cấp cứu cho những nạn nhân liên quan đến các vụ đánh nhau. Có khi cả chục người hung hăng, hò hét, cầm hung khí đe dọa chúng tôi phải thực hiện cấp bách việc băng bó, điều trị cho người bị thương. Họ không cần biết rằng còn nhiều bệnh nhân khác đang nguy kịch hơn, cần cứu chữa tích cực hơn người thân hay bạn bè của họ. Những lúc như vậy, chúng tôi phải tăng cường nhân viên để xoa dịu tình hình”.
Thực tế, khu vực cấp cứu của bệnh viện là nơi dễ xảy ra va chạm giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Cũng có nhiều khi do áp lực công việc, bác sĩ và nhân viên y tế có cách cư xử vô cảm, lời nói thiếu mềm mỏng, hách dịch. Do vậy, các bệnh viện cần giáo dục, nhắc nhở bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện y đức, tận tình và khoa học khi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, cần có giải pháp phối hợp giữa bệnh viện và công an địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi côn đồ của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân. Mặt khác, nên mời các chuyên gia tâm lý và cán bộ công an hướng dẫn cho bác sĩ, nhân viên y tế về kỹ năng chia sẻ, tránh gây ức chế tâm lý không đáng có khi xảy ra tình huống như vậy, có cách giải tỏa phù hợp với các tình huống căng thẳng.
Đối với những vụ có hành vi côn đồ, hành hung nhân viên y tế, cần xử lý pháp luật nghiêm minh. Các bác sĩ và nhân viên y tế luôn là đối tượng cần được bảo vệ để họ yên tâm cứu chữa người bệnh.