Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9-2019.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, đã chủ động chọn nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc tại Việt Nam và Nhật Bản. Riêng tại Việt Nam, thép cán nguội có đầu vào là thép cán nóng được các doanh nghiệp mua từ nhà máy Formosa khi nhà máy này đi vào sản xuất hồi tháng 6-2017.
Tuy nhiên, đến nay chưa có bất cứ thống kê nào cho thấy có bao nhiêu tấn thép xuất khẩu sang Mỹ có nguồn nguyên liệu đầu vào từ thép cán nóng trong nước. Phía Mỹ cũng không có quy định cụ thể hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm thép nói trên có bao nhiêu phần trăm buộc phải từ các quốc gia xuất khẩu hoặc bao nhiêu phần trăm từ các quốc gia bị đánh thuế thì chịu mức thuế cao.
Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam và là nơi tiêu thụ 11% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Tuy vậy, con số này chỉ chiếm 2% thị trường thép Mỹ, theo báo cáo ngành thép tháng 9-2018. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang nhập khẩu khá nhiều thép từ nước ngoài, trong đó Hàn Quốc chiếm 12% và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 10% sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2007 tới 2016, thép Việt Nam xuất khẩu phải đối mặt với 29 vụ kiện.
Trong đó, có 18 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 4 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ rất nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, EU, Úc, Thái Lan, Malaysia... Tính đến cuối năm 2017, các sản phẩm thép và liên quan đến thép nhập khẩu của Việt Nam đã phải chịu 30 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại.