Điểm mặt kênh “tiếp tay” game không phép
Tại hội thảo “Triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép” diễn ra ở Hà Nội ngày 23-3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) thuộc Bộ TT-TT, cho biết, từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục PTTH-TTĐT, Google đã gỡ 294 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép; Apple đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng… Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là việc thanh toán các game không phép rất dễ dàng bằng nhiều hình thức.
Theo Cục PTTH-TTĐT, các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép đang tồn tại ở Việt Nam gồm: qua các trung gian thanh toán (ví điện tử) hoặc chuyển khoản ngân hàng (internet banking); qua Google Play (với ví điện tử: MoMo, ZaloPay, VTC Pay; thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa, Visa Electron; tài khoản viễn thông: Vinaphone, MobiFone, Viettel) và Apple Store (với ví điện tử: Momo, ShopeePay; thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa). Cùng với đó là thanh toán qua các website thanh toán như: muacash.com; napgamelau.com; napgamemobile.com; napgame247.com; naplau.com... Các website này thanh toán bằng cách chuyển khoản trực tiếp từ người dùng đến tài khoản ngân hàng, ví điện tử của bên nhận thanh toán. Sau đó, bên nhận thanh toán thực hiện nạp tiền qua ứng dụng trên Google, Apple. Ở Việt Nam hiện nay, khi phát hành một game trên kho ứng dụng thì doanh thu từ thanh toán qua thẻ tín dụng (Visa/Master) chiếm 5-7%, qua ví điện tử MoMo chiếm 60%, phần còn lại là các hình thức khác.
Bộ TT-TT sẽ công bố thông tin các game có phép và không phép, những cổng thanh toán, đơn vị trung gian thanh toán đang tuân thủ pháp luật cũng như những đơn vị đang có biểu hiện, dấu hiệu thanh toán không đúng pháp luật
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm
Tại hội thảo, đại diện các trung gian thanh toán như MoMo, VTC Pay, Viettel Money, Ngân Lượng cho rằng để xác định được đó là game chưa được cấp phép không dễ dàng; đề nghị Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng cung cấp danh sách các game chưa cấp phép, các doanh nghiệp game lậu, để các đơn vị này lấy đó làm cơ sở không thực hiện thanh toán, cũng như để làm việc với các đối tác như Google, Apple trong quá trình thực hiện thanh toán. Cũng theo các doanh nghiệp này, Bộ TT-TT cần làm việc trực tiếp với Google, Apple để ngăn chặn việc phát hành game không phép lên 2 kho ứng dụng ngay từ đầu, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội đang kinh doanh game hiện nay.
Phối hợp ngăn chặn từ đầu
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng cần xác định tính hợp pháp của hàng hóa trong quá trình thanh toán. Ông ví von: các chợ ứng dụng của Apple, Google không khác siêu thị, nên các bộ, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm tính hợp pháp của game cũng như những dịch vụ trên đó; còn giao dịch giữa người mua và người bán cũng giống như trả tiền cho siêu thị. Vì vậy, cần phải chặn game và các sản phẩm không phép ngay từ đầu nguồn. Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan cần cung cấp danh sách game không phép trên mạng; cũng như những tài khoản được xác định là nhận tiền từ game không phép. Danh sách này cập nhật hàng tháng, thậm chí là hàng tuần, càng sớm càng tốt. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các trung gian thanh toán, tổ chức tín dụng… ngừng giao dịch, thanh toán.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, giá trị gia tăng của phía Việt Nam trong ngành game là không cao. Gần 90% game ở thị trường là nhập khẩu hoặc có xin phép. Nếu tính cả game không phép trên mạng thì tỷ lệ này có thể còn lớn hơn. Một số nước ở gần Việt Nam có các biện pháp siết chặt thị trường game nước họ thì các game đó lại tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp game trong nước đã khó khăn, nhiều chi phí trong khi vòng đời game ngắn lại bị cạnh tranh không lành mạnh...
Nhiều kênh thanh toán game được sử dụng phổ biến. Ảnh: Cục PTTH-TTĐT cung cấp |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sẽ chỉ đạo Cục PTTH-TTĐT gửi định kỳ hàng tháng danh sách các game đã được cấp phép, game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu. Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đơn vị trung gian thanh toán tiếp tục thanh toán cho game không phép. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn, không cho các đơn vị trung gian này được thanh toán cho game không phép. Với Apple, Google thì cơ quan quản lý sẽ đề nghị không hợp tác với các đơn vị trung gian thanh toán này để thanh toán cho game trên 2 kho ứng dụng trên.
Dễ dàng mua và chơi game không phép
Người dùng chỉ cần vào các kho ứng dụng là Google Play hay Apple Store là có thể tiếp cận được hàng trăm game của các công ty nước ngoài chưa được cấp phép tại Việt Nam. Có thể kể đến các game như: Last Day on Earth- Vuvial, Age of Frostfall, Age of Magic: Chiến nhập vai, Blitz: Thời đại Anh hùng, Mộng Huyễn Phi Tiên, Chiến ký chư thần, Souland Reload, Blade Idle, Star Healer, Vệ binh Vua: Chiến tranh Rồng… Các game đánh bài cũng đã xuất hiện rầm rộ trên các kho ứng dụng AppStore và Google Play như: Big5x, Win7x, PuSxx8, C.B xx,…
Một trong những nguyên nhân các nhà phát hành nước ngoài đưa game không phép lên các kho ứng dụng (mà người người dùng Việt Nam có thể tải) tăng mạnh là do không cần xin giấy phép từ cơ quan quản lý trong nước. “Các kho ứng dụng đã điều chỉnh về mức hoa hồng trên cửa hàng ứng dụng xuống còn 15%, áp dụng cho các nhà phát triển thu được 1 triệu USD đầu tiên mỗi năm. Trong khi trước đây, mức chiết khấu hoa hồng cho cả 2 kho ứng dụng là 30%”, một nhà phát hành game trong nước cho hay.
Một số game không phép, như game Mộng Huyễn Phi Tiên và sau đó mua vật phẩm trong game, cả 2 kho ứng dụng Google và Apple đều cho phép người dùng chọn hình thức thanh toán là thẻ tín dụng, ví điện tử MoMo và trên AppStore có thêm lựa chọn ví ShopeePay. Không chỉ vậy, có thể dùng ví điện tử MoMo, Viettel Pay, ZaloPay… để nạp tiền là cá cược online ở một một số trang như M8x, Vn88xx, V9bxx, 8xbxx...