Ngày 30-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năm 2016 toàn ngành thủy sản có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó có trên 30.000 tàu cá xa bờ, giải quyết sinh kế cho hơn 1 triệu lao động; tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt hơn 6,7 triệu tấn (tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó sản lượng khai thác gần 3,1 triệu tấn (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015).
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, đã xuất hiện tình trạng ngư dân ta đưa tàu đi khai thác trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang các nước.
Nguyên nhân của xu hướng gia tăng này được cho là do lợi ích kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu chưa nghiêm, công tác quản lý nhà nước chưa đồng bộ, các cấp chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thật sự kiên quyết, chế tài xử phạt chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, việc phát triển đội tàu cá còn tự phát, chưa được kiểm soát phù hợp với ngư trường nguồn lợi. Một số vùng biển nguồn lợi hải sản suy giảm nghiêm trọng. Các quy định quản lý về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa sửa đổi kịp thời; công tác thống kê sản lượng khai thác, năng lực kiểm soát tàu cá trên biển còn hạn chế, chưa được bảo đảm dẫn đến nhiều hạn chế bất cập…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế tàu cá vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương ven biển trước mắt tập trung nguồn lực để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Cùng với đó, phải tham mưu, sửa đổi ngay các quy định phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý, tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý thủy sản để ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ven biển chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn, hạn chế tàu cá vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ ngư trường biển trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng có các biện pháp đàm phán với các nước về phân định các vùng biển chồng lấn, tiến hành bảo hộ công dân Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của lãnh đạo, người dân, để ngư dân thấy được hành vi vi phạm pháp luật, tác hại của hành vi đó đối với đất nước, với chính ngư dân và gia đình. Hoàn thiện thể chế liên quan đến khai thác hải sản theo hướng tăng cường chế tài với chủ tàu và trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm pháp luật khi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tiếp tục đàm phán, ký kết, thiết lập đường dây nóng với các nước giải quyết sự cố nghề cá, chống đánh bắt bất hợp lý; đàm phán, ký kết một số thỏa thuận hợp tác thủy sản với các nước trong và ngoài khu vực…