Liên tiếp trong thời gian gần đây các vụ trọng án, thảm án sát hại nhiều người đã xảy ra tại một số địa phương trong cả nước khiến cộng đồng xã hội không khỏi hoang mang.
Đến nay đã 2 tuần trôi qua, nhưng người dân ở TP Điện Biên Phủ vẫn không khỏi kinh hãi trước vụ xả súng kinh hoàng bắn chết 2 vợ chồng ông Nguyễn T. V. (ở tổ dân phố 30, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ) chỉ vì do mâu thuẫn vay nợ tiền bạc.
Và ngay sau đó, đối tượng gây ra vụ nổ súng này là Phạm Quang Sỏi (54 tuổi, trú tại số nhà 76, tổ 12, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ) cũng đã dùng khẩu súng gây án tự kết liễu đời mình.
Chỉ vì mẫu thuẫn gia đình, cãi cự với vợ mà Trần Minh Thắng (40 tuổi) đã đóng kín cửa nhà giết hại vợ mình và đứa con trai mới chỉ 7 tháng tuổi, sau đó Thắng cũng tự kết liễu đời mình.
Còn mới đây là vụ trọng án xảy ra ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội khi đối tượng Nguyễn Ngọc Nhẫn (38 tuổi, ở xã Vạn Phúc) chỉ vì vợ không đưa tiền đã dùng dao đâm chết vợ và đâm trọng thương anh trai vợ...
Không chỉ có các vụ trọng án liên tiếp xảy ra mà mới đây, dư luận xã hội cũng rất bàng trước thái độ vô cùng côn đồ, hung hãn của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Bất Động sản Smartland khi gửi hẳn công văn có đóng dấu đỏ đàng hoàng cùng chữ ký của Chủ tịch HĐQT công ty tới Ban Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam với nội dung đe dọa truy sát lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và gia đình của kênh VTV9 chỉ vì phản ánh những hoạt động mang tính chất lừa đảo người dân của doanh nghiệp trên.
Theo thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn quốc xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017.
Về tội phạm giết người tuy giảm 3,8% về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng gây án manh động, hành vi tàn bạo, gây phẫn nộ dư luận, như giết nhiều người, giết người với hành vi dã man, huỷ hoại thi thể nạn nhân để phi tang.
Đặc biệt tình trạng giết người thân xảy ra 82 vụ, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 15,5% so với 6 tháng liền kề.
Tình trạng người tâm thần, người nghiện ma tuý gây ra các vụ án giết người ngày càng tăng, xảy ra nhiều vụ thương tâm, có vụ gây thương vong cho nhiều người...
Tệ hơn, có không ít vụ án mạng đau xót xảy ra chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ như: va quẹt xe trên đường, nhìn nhau không thiện cảm trong quán nhậu, hay mời bia không uống... mà nhiều đối tượng manh động không ngần ngại "nổ súng, xả dao, vung kiếm" không chỉ để dằn mặt đối phương mà còn cố tình tước đoạt tính mạng của người khác mà trong đó cả những người thân, bạn bè.
Rõ ràng, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng khiến cho tình hình an ninh trật tự trở nên bất an, cộng đồng xã hội không khỏi hoang mang lo lắng buộc phải liên tưởng, suy nghĩ rằng cái ác đang lộng hành trong đời sống xã hội, trật tự luật pháp và đạo đức đang bị xuống cấp.
Tệ hơn, đó còn là sự thách thức pháp luật, chính quyền, xem thường sức khỏe và tính mạng người khác.
Để xảy ra tình trạng nhiều đối tượng manh động, liều lĩnh sẵn sàng hành hung, thậm chí tước đoạt mạng sống người khác có nhiều lý do, cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Trong đó một trong những nguyên nhân đáng lo ngại là một số chuẩn mực đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp. Công chúng, nhất là lớp trẻ đang bị đầu độc bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên mạng xã hội.
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngươi dân, nhất là thanh niên rất yếu, thiếu hiểu biết pháp luật đã tác động không nhỏ đến cách ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hằng ngày nên không ít người chỉ biết ứng xử bằng bạo lực, giết hại, hay các hành vi trái pháp luật.
Đồng thời việc quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nhiều bất cập. Trong khi đó, trước những hành vi bạo lực, trái pháp luật, nhiều người dân vẫn còn thái độ thờ ơ, né tránh không dám ngăn chặn.
Để ngăn chặn, đẩy lùi được cái ác ra khỏi cuộc sống cần tăng cường nhiều biện pháp khác nhau theo những cơ chế thích hợp. Trong đó cùng với việc lên án, đấu tranh mạnh mẽ với mọi hành vi bạo lực trong cuộc sống thì cần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi phạm tội.
Cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với bất kỳ ai vi phạm pháp luật thì mới đủ sức răn đe và trừng trị những hành vi xâm hại sức khỏe, tước đoạt tính mạng của người khác.