Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Khi Quốc hội sửa đổi xong luật này thì có tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành y tế hay không? Có giúp cho ngành y tế thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần Nghị quyết số 20 của trung ương về chăm sóc sức khỏe của nhân dân hay không? Đó là câu hỏi hết sức quan trọng phải trả lời. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế cũng đang dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội ban hành một số đạo luật mới trong lĩnh vực y tế như: luật về trang thiết bị y tế, luật về y tế dự phòng... Tuy nhiên, cơ chế tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh hiện đang là vấn đề bức xúc.
Chúng ta có cần bổ sung các quy định về vấn đề này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh để sau khi sửa đổi luật thì cán bộ, ngành y tế, các bác sĩ, các cơ sở y tế cũng yên tâm làm công tác chuyên môn hay không? Nếu đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thì cần thiết kế các quy định cụ thể như thế nào? Có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân không?, đồng chí Vương Đình Huệ gợi mở.
Trên cơ sở gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia tham dự tọa đàm đã tập trung làm rõ những vướng mắc trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh kể cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị thiết kế một chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các ý kiến cũng nhìn nhận việc dự thảo luật hiện đã có quy định về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, bổ sung chủ thể ngoài Nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là một điểm mới.
Tuy nhiên, vừa qua, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư”, do doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công. Đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam thẳng thắn đề nghị không nên luật hóa chính sách xã hội hóa đối với khối y tế công lập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Một số ý kiến khác tại tọa đàm cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc “công ra công, tư ra tư”. Dự thảo Luật cũng cần phân định rõ 3 chủ thể khám chữa bệnh, gồm: y tế công/y tế Nhà nước, y tế tư nhân và y tế ngoài Nhà nước nhân đạo phi vụ lợi... và có quy định nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của 3 chủ thể này.