Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào? Trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn các trang web của các mạng xã hội gần đây xuất hiện dày đặc thông tin, hình ảnh cô cậu học sinh mặt búng ra sữa thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giống như cảnh những tay “anh chị” đang hành xử nhau trong các phim xã hội đen. Mời bạn click vào đây để tham gia thảo luận Chân thành cám ơn
Vậy vấn đề bạo lực học đường đã đến mức báo động đỏ hay chưa, lỗi tại nhà trường hay tại gia đình và giải quyết vấn đề này như thế nào?
Để góp phần giải đáp những câu hỏi trên, Báo SGGP mở diễn đàn " Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?". Rất mong nhận được ý kiến đóng góp trên diễn đàn của quý bạn đọc xung quanh vấn đề này.
SGGP online
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Nhân đạo với 1-2 học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại
Theo tôi, “3 kiềng” trong giáo dục học sinh là nhà trường, gia đình và xã hội đừng đổ lỗi cho nhau nữa, mà tự thân mỗi phía hãy thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức học sinh. Nhà trường hiện nay dạy các em tất cả mọi thứ, nhưng không dạy cách sống như thế nào.
Mặt khác, khi các em vi phạm, đánh nhau với bạn đến mức độ như báo chí đã phản ánh, nếu chỉ với cách trừng phạt, kỷ luật như vừa qua (hạ hạnh kiểm) thì không thể có tác dụng ngăn ngừa giáo dục học sinh, vì các em không sợ. Theo tôi, cần phải trừng phạt các em thật nặng mới có tác dụng.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Quản lý chặt hoặc cấm đoán... đều không hiệu quả
Từ thực tế hiện nay, tôi cho rằng, nếu chỉ chăm chăm giáo dục đạo đức học sinh một cách chính thống sẽ không mang lại hiệu quả cao. Cách nhà trường quản lý chặt chẽ học sinh hoặc gia đình cấm đoán con em mình để không xảy ra bạo lực đều không hiệu quả.
Thay vào đó, phải đề cao vai trò của xã hội của các tổ chức đoàn thể, vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. Học sinh thì phải có hoạt động đoàn, hội, tại sao không thông qua đó để giáo dục nhân cách các em.
Tôi cũng cho rằng, phải có chiến lược về giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục cách ứng xử để học sinh có được những hành vi đúng. Chiếc lược phải có tầm quốc gia, thu hút các đoàn thể tham gia để cùng nhà trường, gia đình giáo dục nhân cách học sinh, chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình, nhà trường. Có lẽ đã đến lúc ngành GD-ĐT cần tiếp cận rộng rãi hơn, sâu sắc hơn trong việc giáo dục nhân cách học sinh.
PGS-TS Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương:
Đừng đổ hết trách nhiệm cho ngành giáo dục
Thực tế cho thấy, nhà trường hiện nay đang tách rời việc dạy chữ với dạy nhân cách, chỉ lo truyền đạt kiến thức sách vở. Trong khi đó, thực tế xã hội đòi hỏi việc dạy nhân cách phải thấm vào trong từng môn học để giáo dục phẩm chất, nhân cách của học sinh chứ không riêng gì môn đạo đức hay môn giáo dục công dân. Ngay từ bé, các em phải được hưởng sự đối xử dễ chịu trong các cách ứng xử, dạy giải quyết xung đột bằng phương pháp không bạo lực…
Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho ngành giáo dục dù họ phải gánh vai chính trong chuyện bạo lực học đường gia tăng. Ở đây xã hội cũng phải nhìn lại từ cách sống, ứng xử của mọi người mà gần nhất với trẻ đó là những bậc phụ huynh. Đơn giản như cha mẹ dạy con bằng bạo lực (đánh đập con cái), bố mẹ giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực thì mầm mống bạo lực này sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ.
Vậy vấn đề ở đây chúng ta phải cùng hợp tác, chia sẻ giữa xã hội và nhà trường cùng hướng tới dùng công cụ “hòa bình” để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
Th.S Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên (Đại học Nông Lâm TPHCM): Bạo lực học đường... chỉ là thiểu số
Vấn đề bạo lực học đường đang được dư luận xã hội quan tâm cao độ. Bộ GD-ĐT phải lên tiếng kêu gọi “ngăn chặn bạo lực học đường”. Nhà trường và phụ huynh lo lắng. Học sinh, sinh viên lo lắng... Cả xã hội đang lo lắng. Những câu hỏi, băn khoăn, thậm chí bức xúc cứ tăng dần...
Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng có thể có sự vô cảm đang tăng lên ở đâu đó, nhưng theo diện rộng, tỷ lệ này cũng may còn rất thấp. Giữa những nghĩa cử rất đẹp của số đông vẫn còn có những con sâu, rất độc địa, cứ ngày càng ăn sâu vào cây lành trái ngọt và cái dư âm về dịch bệnh lan truyền hết sức nguy hiểm, cần phải ngăn chặn!
Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận:
Không để sự vô cảm tăng lên
Chúng ta cần phải có thái độ cương quyết, cứng rắn với những hành động có tính tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng của học sinh.
Trước hết, phía nhà trường phải có giải pháp cứng rắn, có thể đuổi học ngay những em đánh nhau có tổ chức. Đừng suy nghĩ đuổi các em ra khỏi trường thì tội. Nếu học trong trường không được thì đưa những em đó vào trung tâm giáo dưỡng.
Chúng ta thà hy sinh một vài em để giữ kỷ cương, trật tự trong trường chứ đừng xử lý theo kiểu nhún nhường. Cùng với nhà trường, xã hội và gia đình cũng cần cương quyết với những hành động, biểu hiện, hành vi bạo lực.
GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội: Đạo đức phải được uốn nắn hàng ngày
Tôi thấy trường nào hiện nay cũng có khẩu hiệu rất lớn trên tường “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đó là một trong những truyền thống đáng quý của nền giáo dục nước nhà. Từ xa xưa, cha ông ta đã quan niệm đi học trước hết phải là học để làm người, sau đó mới là học để làm việc.
Với trẻ em, đạo đức là chuyện phải được uốn nắn hàng ngày trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội. Con cái những gia đình có gia phong nền nếp không thể có thói quen nói tục, hỗn láo… càng không thể có những hành vi bạo lực với bè bạn. Đấy phải là một quá trình rèn luyện mà bố mẹ phải thường xuyên chú ý nhắc nhở, khuyên bảo, răn đe... với con em từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành.
Cô Nguyễn Thị Bảo Linh, giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng: Tế bào khiếm khuyết thì xã hội khó tốt đẹp
Mâu thuẫn của các em khởi phát từ những chuyện rất đơn giản. Nhưng vì ở lứa tuổi đang phát triển nên tâm lý các em “hay nắng mưa”, cộng thêm sự tiêm nhiễm từ phim ảnh trên internet, các đối tượng bên ngoài xúi giục nên các em dễ hành xử theo kiểu đàn anh, đàn chị… để chứng tỏ bản thân. Nếu không theo sát những biểu hiện và có phương pháp phòng ngừa thì hậu quả khó lường.
Nhiều em cũng tỏ ra lờn thuốc với cách xử phạt hiện nay của nhà trường nên tiếp tục tái diễn sau mỗi lần nhà trường cảnh cáo, nhắc nhở. Nhà trường phải chấp nhận biện pháp đuổi học những em quá ngỗ ngược nếu không sẽ phá hỏng cả một tập thể.
Dư luận, gia đình các em cũng cần sự đồng cảm, chia sẻ với nhà trường để chung tay giáo dục tri thức, nhân cách cho các em chứ đừng nên đổ hết cho người thầy. Gia đình là tế bào của xã hội. Nếu tế bào có nhiều khiếm khuyết thì xã hội sẽ khó tốt đẹp. Những bậc làm phụ huynh hãy là tấm gương tốt để đưa con vào đời.
Ông Lê Văn Ánh, phụ huynh có con đang học lớp 11 Trường THPT Long Trường (quận 9): Phải luôn theo sát con mình
Lên cấp 3 con tôi phải đi học xa và thường hay bị các nhóm bạn gần trường khiêu khích. Mới vào lớp 10, con tôi bỏ học cả tuần nhưng tôi và vợ không biết vì sáng nào con cũng “chào ba mẹ con đi học”. Thấy con buồn và ít nói chuyện, tôi bảo vợ gạn hỏi thì mới biết vì sợ bạn đánh nên con không đến trường… rồi tính chuyện trả đũa. Thấy vậy vợ chồng tôi khuyên con hết lời.
Sau đó tôi đến gặp cô giáo, xin địa chỉ gia đình nhóm bạn chặn đường. Tôi gọi điện gặp phụ huynh của các em tâm sự rồi cùng bàn chuyện giải hòa cho tụi nhỏ. Sau đó con tôi an tâm học và đến giờ rất thân với nhóm bạn đó.
Nếu lúc đó, vợ chồng tôi không theo sát con để uốn nắn, tâm sự chia sẻ cùng con thì mọi chuyện giờ sẽ không biết sự việc sẽ đến đâu.
Bạn đọc Lê Minh Tiến: Cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống
Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn gửi giám đốc các sở GD-ĐT trong cả nước về ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh. Theo đó, bộ đề nghị các sở chỉ đạo nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh; thường xuyên tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc…
Muốn tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, muốn nhà trường đưa các chương trình ngoại khóa vào chương trình giảng dạy, muốn các thầy cô có nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh để giúp các em vượt qua những phút nông nổi, trước hết, Bộ GD-ĐT phải xem xét lại chương trình đào tạo, cấu trúc lại chương trình theo hướng tinh gọn hơn thì các trường mới có thể đưa các nội dung giáo dục nhân cách vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, phải trả lại cho môn giáo dục công dân nội dung giảng dạy đúng với tên gọi của nó, chứ không thể đồng hóa giáo dục công dân với giáo dục tư tưởng chính trị như hiện nay được.
Ông NGUYỄN MINH TRUNG, phụ huynh em Nguyễn Thị Thanh Thảo, học lớp 10 Trường THPT Marie Curie (quận 3): Quan tâm hơn đến học sinh cá biệt
"Mấy ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về những vụ bạo lực trong nhà trường khiến tôi cũng cảm thấy lo lắng. Từ trước đến giờ gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu nên chọn bạn mà chơi, sau những vụ bạo lực học đường xảy ra, tôi càng dặn cháu phải cẩn thận khi giao du, kết bạn. Nếu thấy bạn cùng lớp có dấu hiệu cãi vã lớn tiếng, hù dọa, xô xát nhau phải báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để tìm hướng xử lý, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc".
"Đọc bài viết “Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 7-4, tôi đồng tình với cách lý giải, đề xuất các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, trong những giải pháp mà các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia đưa ra, tôi đồng tình với đề xuất của PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh và ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận về việc không nên quá nhân đạo mà phải có thái độ cương quyết, cứng rắn đối với học sinh hư, cá biệt".
Đúng vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan điểm về quản lý, áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh. Trong trường hợp cần thiết, nên buộc thôi học đối với những học sinh cá biệt hoặc hành động bạo lực có tính tổ chức, thể hiện tính “đại ca, đại bàng”, uy hiếp tinh thần, gây hậu quả nghiêm trọng cho học sinh khác. Bởi lẽ, nếu “nhân đạo với vài học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại”, vì các em phải sống chung với bạo lực và mối đe dọa tiềm ẩn ở trường.
Chỉ cần một cơ hội nào đó, khi bảo vệ, giám thị và giáo viên không có mặt kịp thời thì mầm mống bạo lực đó có thể gây nên những vụ việc làm thương tích, án mạng đối với học sinh. Chính vì thế, cần phải có biện pháp ngăn chặn những hành vi bạo lực bị phát hiện hoặc đang tiềm ẩn ở trường học.
Thực tế cho thấy, việc buộc thôi học đối với học sinh cá biệt, đánh nhau thường xuyên sẽ giúp cho học sinh và phụ huynh của em đó tỉnh ngộ hơn và có tác dụng răn đe đối với những em khác. Còn chúng ta cứ nhún nhường, nhân đạo theo kiểu nửa vời thì không thể giữ được kỷ cương, trật tự trong nhà trường và khi đụng chuyện thì ai cũng ngỡ ngàng.
Như thế, giải pháp ngành giáo dục nên thành lập một số trường giáo dưỡng để tiếp nhận số học sinh hư, có nhiều sai phạm là cần thiết. Vào môi trường giáo dục đặc biệt này, các em sẽ có điều kiện sửa sai và khi tiến bộ sẽ có cơ hội quay lại trường học.
HẰNG THANH (Nguyễn Văn Khoái quận 12)
Chị NGỌC KHUÊ, chị gái của em Nguyễn Thị Ngọc Minh, học sinh lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh): Không phải là hiện tượng phổ biến
Những vụ bạo lực học đường gần đây khiến nhiều người - từ các nhà sư phạm, các bậc phụ huynh đến chính bản thân các em học sinh đặt ra nhiều vấn đề. Môi trường học đường chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó áp lực trách nhiệm càng đè nặng hơn lên đôi vai vốn đã quá nhiều lo toan, vất vả của các thầy cô giáo.
Chuyện thầy hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai (quận 8) phải làm đơn xin nghỉ việc khi ở ngôi trường này liên tiếp xảy ra các trường hợp học sinh đánh bạn đã phần nào nói lên sự quá tải về áp lực trách nhiệm. Vai trò giáo dục của “kiềng ba chân” gia đình - nhà trường - xã hội nay dồn hết lên nhà trường, trong khi đó, hai “chân” gia đình và xã hội lẽ ra phải cùng chung vai gánh vác thì nay lại quay ra đổ lỗi và dồn trách nhiệm cho nhà trường. Tôi nghĩ trong chuyện này, các thầy cô cần được chia sẻ, cảm thông nhiều hơn là kết tội.
Mặt khác, theo tôi nghĩ, những trường hợp học sinh gây gỗ, đánh lộn vừa qua chỉ là cá biệt. Trường học giống như một xã hội thu nhỏ, trong đó luôn có người tốt và người chưa tốt. Cảnh báo những chuyện chưa tốt là cần thiết song chỉ nên cảnh báo ở mức độ vừa phải, không nên đẩy hành vi cá biệt của một thiểu số lên thành hiện tượng phổ biến, gây hoang mang cho xã hội. Vấn đề là chúng ta tìm ra biện pháp giáo dục những cá thể chưa tốt đó như thế nào, chứ không phải là chuyện quy xét trách nhiệm, tạo ra tâm lý bất an chung cho cả cộng đồng.
Một cựu giáo viên: Có thể buộc thôi học
Trước đây tôi có một thời gian làm giáo viên phụ trách nội trú ở một trường cấp 3 dân lập nên có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với những em học sinh tạm gọi là “cá biệt”. Những em này phần lớn là lười học, hỗn láo và sẵn sàng đánh nhau từ những nguyên nhân và lý do hết sức nhỏ nhặt. Tìm hiểu kỹ vụ việc và những bất ổn về tâm sinh lý của các em, tôi thấy phần đông những em này xuất thân từ những gia đình “có vấn đề”.
Cụ thể như em thì cha mẹ lo làm ăn nên phó thác mọi việc cho nhà trường, mỗi tháng đóng đủ tiền học là xong bổn phận làm cha mẹ. Em thì cha mẹ ly dị , em thì cha bỏ bê gia đình theo vợ bé, cũng có em xuất thân từ gia đình “quý tộc” nên muốn gì được nấy… Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tựu chung là các em thiếu tình thương, hơi ấm của gia đình - chỗ dựa vững chắc trong quá trình lớn lên, hình thành nhân cách.
Chính vì thế, để giáo dục học sinh thì gia đình là quan trọng nhất. Khi hiểu rõ hoàn cảnh của các em thì chúng ta phải có giải pháp giáo dục và kỷ luật phù hợp. Thông cảm, chia sẻ với học sinh hư, học sinh có vấn đề là cần thiết nhưng khi các em có hành vi sai phạm nghiêm trọng thì không nên xem nhẹ, bỏ qua. Nếu sau nhiều lần giáo dục, uốn nắn mà các em không có tiến bộ thì nhà trường cũng nên áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Đó là thẳng thắn loại khỏi trường những trường hợp học sinh quá cá biệt, ngỗ ngược hay đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng cho học sinh khác.
Kéo giảm bạo lực học đường: Chung tay ba phía
Bạo lực học đường đang trở thành nỗi ám ảnh của cả xã hội. Những vụ bạo lực gần đây có phải do hành động bộc phát nông nổi của lứa tuổi học trò hay vì hậu quả của sự “vô cảm” từ gia đình - nhà trường - xã hội? Hội thảo “Phòng chống bạo lực trong nhà trường” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chiều 9-4 đã thu hút đông đảo đại biểu của các ngành chức năng tham gia cùng mổ xẻ nguyên nhân và đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
- Thầy Lê Ngọc Trung, Phó ban hoạt động ngoài trời Trường Thiếu sinh quân, Củ Chi: Dạy kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Ngay đầu năm học, nhà trường cần nắm được sơ bộ danh sách các HS cá biệt, có dấu hiệu bạo lực để quản lý cho phù hợp. Cần dạy các em biết kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Phụ huynh cũng cần quan tâm, theo dõi hoạt động của con trẻ để cùng phối hợp với nhà trường ngăn chặn những xung đột có thể dẫn đến đánh nhau. Ngành công an cần phối hợp nhà trường ngăn chặn bạo lực trong và ngoài học đường.
- Thạc sĩ Hà Trung Thành, giảng viên Trường Cán bộ TP: Tấm gương của người thầy sẽ ngăn chặn bạo lực học đường
Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được HS. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người chung quanh. Nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho HS hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn phù phiếm của người lớn.