Ngăn cái ác làm tổn thương thầy thuốc

Thực tế cho thấy, chỉ trong vài tháng đầu năm nay, tại nhiều bệnh viện trong cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ hành hung, lăng mạ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên khi đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân khiến cộng đồng và dư luận rất hoang mang và bức xúc.
“Tôi vẫn sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Đây là điều tôi muốn làm. Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn sẽ phục vụ...” - đây là những lời chia sẻ đầy nghẹn ngào của bác sĩ Vũ Hồng Chiến (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) sau khi bị bố của một bệnh nhi hành hung lúc khám bệnh cho cháu bé. Rất nhiều người khi xem và nghe những tâm sự trải lòng của bác sĩ trẻ trên được phát trên truyền hình và mạng xã hội, không một ai không khỏi phẫn nộ và bàng hoàng đau xót trước nạn bạo hành thầy thuốc ngày càng gia tăng và manh động. 
Thực tế cho thấy, chỉ trong vài tháng đầu năm nay, tại nhiều bệnh viện trong cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ hành hung, lăng mạ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên khi đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân khiến cộng đồng và dư luận rất hoang mang và bức xúc. Trên báo chí, mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác nhau, không chỉ có các điều dưỡng, bác sĩ, nhà quản lý mà còn rất nhiều người ở các ngành nghề, tầng lớp xã hội khác nhau cùng đã bày tỏ thái độ phản ứng, lên án mạnh các hành vi côn đồ đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Một bác sĩ đã có nhiều năm gắn bó với “điểm nóng” - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đã không giấu nổi sự bức xúc: “Không ai có thể tưởng tượng được tại sao con người có thể tàn ác đến vậy, tàn ác ngay với những người đang cứu chữa cho người nhà mình. Mình gọi đó là sự khốn nạn. Những người làm ngành y như mình tự hỏi, với tình trạng như hiện nay, liệu rằng chúng ta có thể hiền được không”?
Rõ ràng, tình trạng hành hung bác sĩ liên tiếp xảy ra đang làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động cứu chữa người bệnh. Đặc biệt, những hành vi côn đồ, manh động này còn đe dọa xâm hại trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần và tính mạng của cán bộ, nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ. Tệ hơn, tình trạng điều dưỡng, bác sĩ bị hành hung, bạo lực đang gia tăng, khiến nhiều người buộc phải liên tưởng, suy nghĩ rằng cái ác đang ngày lộng hành trong đời sống. Hơn nữa, đó còn là sự thách thức pháp luật, xem thường sức khỏe và tính mạng người khác. Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh chiếm tới 60%, tiếp đến là tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công, hành hung phần lớn là bác sĩ chiếm 70%, tiếp đến là điều dưỡng chiếm 15%. Nghiêm trọng hơn khi có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh.
Môi trường bệnh viện như một xã hội đặc biệt thu nhỏ, vì ở đây người ta tìm đến để được những người thầy thuốc chữa trị những tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, khi bản thân những người đang có những việc làm tốt đẹp là cứu chữa người bệnh, lại bị một số kẻ đánh đập, lăng mạ thì thực sự là điều đáng báo động về tình trạng vô pháp và xuống cấp của đạo đức xã hội. Thử hỏi đứa bé đang được bác sĩ Vũ Hồng Chiến khám chữa bệnh kia sẽ nghĩ gì khi mà nó được chứng kiến việc bố nó hùng hổ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với ân nhân của mình?
Để xảy ra tình trạng hành hung điều dưỡng, bác sĩ, bệnh viện trở thành “điểm nóng” về mất an ninh trật tự có nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ những hành động côn đồ, hung hãn, manh động, thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân thì cũng có một phần nguyên nhân từ phía bệnh viện và cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ. Bởi thực tế cho thấy, không ít bệnh viện vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư cho các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. Trong khi đó, vẫn còn những cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện chưa có kinh nghiệm, mềm dẻo, khéo léo trong việc ứng xử tiếp xúc với người bệnh... Tuy nhiên, cho dù có bất cứ hoàn cảnh hay nguyên nhân nào đi chăng nữa thì mọi hành vi hành hung, lăng mạ cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ là không thể chấp nhận được, phải bị lên án và nghiêm trị.
Mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bày tỏ thái độ bất bình trước tình trạng hành hung điều dưỡng, bác sĩ gia tăng. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải khởi tố hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện, vì nếu các vụ việc này được xét xử nhanh, lưu động thì có tính giáo dục, răn đe rất tốt. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hành động hành hung cán bộ y tế đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự. Đối tượng hành hung cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nếu nhân viên y tế có thái độ, hành vi chưa phù hợp, đó là câu chuyện của vấn đề đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành y. Còn nếu đưa ra khái niệm này là chúng ta đồng tình, bênh vực những người vi phạm pháp luật.
Vì vậy, bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện, môi trường y tế an toàn để y bác sĩ yên tâm hành nghề, người bệnh an tâm chữa bệnh là yêu cầu cần thiết. Trong đó, đòi hỏi các bệnh viện cần không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để có thể kịp thời xử lý các tình huống bất trắc xảy ra. Bộ Y tế và các bệnh viện phải thường xuyên hơn nữa trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức, thái độ ứng xử của cán bộ y tế đối với người bệnh, cũng như xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong môi trường bệnh viện. Quan trọng hơn, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhanh chóng điều tra và xử lý hình sự mọi hành vi, mọi đối tượng hành hung cán bộ, nhân viên y tế để ngăn chặn loại tội phạm mới nổi này. 

Tin cùng chuyên mục