Dân nói do chất lượng giống
Xã Hương Thủy nằm gần sông Ngàn Sâu, đây cũng là địa phương khá nổi tiếng về thương hiệu trồng cam và bưởi, bình quân hàng năm cho thu nhập từ cây có quả khoảng 60 - 70 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, hàng chục hộ dân trồng cam, đặc biệt là ở thôn 4, đang bị thất thu rất nặng.
Dẫn chúng tôi xem trang trại rộng gần 2ha trồng cam, bưởi của mình, ông Thiều Sĩ Hùng (51 tuổi, ở thôn 4) cho biết: “Tôi có kinh nghiệm gần 20 năm trồng cam, nhờ có cam mà kinh tế gia đình đỡ vất vả, có điều kiện nuôi con ăn học. Nhưng chưa thấy năm nào như năm nay, vườn cam vào vụ thu hoạch lại phải ngậm ngùi dùng cưa cắt ngang cây và đào bỏ hết gốc để làm củi. Xót xa lắm nhưng không còn cách nào khác, bao nhiêu công sức chăm bón, vốn đầu tư coi như đổ sông đổ biển. Buồn hơn nữa là phải bỏ thêm hơn 10 triệu đồng để thuê máy đào bỏ gốc, mua giống cây mới, phân bón để trồng lại hoàn toàn, rồi còn phải chăm sóc thêm 3 - 4 năm sau mới thu hoạch được”.
Theo ông Hùng, trang trại của ông trồng khoảng 1.300 cây cam, trong đó có một loại cam cũ được trồng cách đây trên 10 năm và loại cam chanh mới với 370 cây được trồng từ năm 2011 (mua giống từ một đơn vị ươm giống trên địa bàn huyện Hương Khê, giá 20.000 đồng/cây). Số cây cam trồng lâu năm cho hiệu quả cao, nhưng đã hết tuổi thu hoạch. Còn giống cam chanh trồng mới từ năm 2011 đang vào vụ thu hoạch thứ 2 đã thất bại hoàn toàn.
Cụ thể, cây cao vổng không có tán lá, quả ít, vỏ rất dày, tép khô sáp, kém chất lượng nên thương lái không mua, phải mang ra chợ bán với giá rẻ mạt 3.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí nhiều lúc phải đổ bỏ. Thu hoạch giống cam chanh mới không thể đủ bù chi phí đầu tư và công sức chăm bón hàng năm. Trong khi đó cũng ngay tại trang trại, giống cam khác lại có chất lượng ngon hơn, giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng không có đủ để bán.
Kế bên ông Hùng, trang trại của anh Tô Trung Thông (29 tuổi) cũng đang ngậm ngùi phá bỏ hàng loạt cây cam. Anh Thông cho biết có hơn 400 cây cam chanh và cũng mua giống mới tại chỗ của ông Hùng. Giống cam này không hiệu quả, năng suất thấp và kém chất lượng, cam bán ít người mua dù giá rẻ. Vụ thu hoạch năm 2016, cả vườn cam của anh Thông cho quả bói (lần đầu tiên ra quả), chỉ bán được hơn 4 triệu đồng, không đủ bù chi phí công sức chăm sóc vài chục triệu đồng. Gia đình quyết định thuê máy về cắt và đã đào bỏ được hơn 100 cây để trồng lại cây cam mới.
“Nguyên nhân là do mua nguồn cây giống không đảm bảo chất lượng. Ở thôn 4 có rất nhiều hộ dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự và cũng phải phá bỏ vườn cam, anh Thông nói.
Chờ cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân
Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy, thông tin toàn xã hiện có diện tích trồng cam khoảng 130ha, bưởi khoảng 180ha. Trong đó, có khoảng 10ha với hàng ngàn cây cam cho hiệu quả thấp, cây không phát triển, gây thiệt hại lớn cho người trồng (hộ ít từ 20 - 30 cây, hộ nhiều hàng trăm cây).
Nhận định nguyên nhân ban đầu là vì ảnh hưởng mưa, lũ lụt, khiến cây cam bị thối rễ, xì mủ... Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định là do chất lượng nguồn giống được mà cần phải có cơ quan chuyên môn về lấy mẫu đem đi phân tích và xác định.
Một lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê cho biết đã giao cho UBND xã Hương Thủy thành lập đoàn khảo sát tình hình của từng vườn cam, ghi nhận phản ánh của người dân, xác định nguồn giống mua ở cơ sở nào. Sau khi có thông tin từ xã, huyện sẽ thành lập các đoàn để kiểm tra, xác định nguyên nhân khiến cam không đạt chất lượng (là do trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống hay do quá trình nuôi trồng, chăm sóc cây của nông dân chưa đạt yêu cầu). Huyện sẽ xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) theo đúng quy định.