Trân trọng đóng góp của người dân
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Nhân (đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM), cho biết, trước đây, dây điện và cáp viễn thông treo trên trụ ở tuyến đường này nhiều như “mạng nhện”, đặc biệt là các búi dây thông tin. “Dây treo trên cao có, dây sà dưới thấp có, vài trụ điện còn treo lủng lẳng các bình điện vừa không đẹp mắt vừa mất an toàn. Từ khi dây điện và dây cáp thông tin được đi ngầm, trụ điện được nhổ bỏ thì đường phố thông thoáng hơn rất nhiều, bình điện không còn treo trên trụ mà được gắn gọn trong hộp (trụ thép - PV) đặt ở vỉa hè vừa an toàn vừa đẹp. Hộp điện gần cổng UBND quận 3 còn được trang trí, ban đêm đèn sáng lên rất đẹp”, anh Nhân cho biết.
Đường Trần Quốc Thảo là một trong rất nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố đã được ngầm hóa. Đến nay, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố đạt gần 46%. Lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm quận 1, 3 có tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt trên 99%, quận 5 đạt 98%; khu vực nội thành gồm các quận 4, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và Gò Vấp cũng đạt trên 60%.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, bên cạnh sự quyết liệt của Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông TPHCM, sự đồng tâm chung tay của các sở ngành, nỗ lực của đơn vị quản lý hạ tầng, một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công chính là sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân. “EVNHCMC rất trân trọng và ghi nhận những đóng góp, chia sẻ của người dân, nhất là ở khu vực thi công công trình ngầm hóa. Họ đã không ngại những bất tiện khi đơn vị thi công triển khai phương tiện đào hào đặt cáp. Phần lớn các hộ dân đã đồng thuận cho đặt các thiết bị điện trên vỉa hè trước nhà để đảm bảo việc cung cấp điện tin cậy, an toàn trong khu vực”, ông Hưng chia sẻ.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ giữa ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông với việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè. Công tác ngầm hóa lưới điện không chỉ giúp giảm sự cố, giảm mất điện cho khách hàng, nâng cao độ an toàn cung cấp điện, mà còn góp phần mang lại diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho hàng trăm tuyến đường của thành phố, cải thiện môi trường sống cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du lịch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Cần thêm sự đồng thuận
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến năm 2025, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố đạt từ 50-60% (trong đó, các quận 1, 3, 5 đạt 100%; các quận nội thành khác đạt 80-90%); tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế từ 35-40% (khu vực trung tâm thành phố đạt 80-90%). Đặc biệt, sẽ tập trung ngầm hóa địa bàn TP Thủ Đức, mục tiêu thực hiện với 100% tuyến đường, trục đường chính.
Để hoàn thành được kế hoạch với quy mô như trên, theo ông Luân Quốc Hưng, rất cần sự ủng hộ và đồng thuận rộng rãi của người dân thành phố. Hiện nay, khó khăn lớn mà ngành điện đang gặp trong công tác ngầm hóa là vẫn còn một vài hộ dân chưa đồng thuận để ngành điện tái bố trí thiết bị điện đặt ở vỉa hè, trên phần đất công cộng phía trước, nằm giữa 2 nhà. Đây chỉ là số ít nhưng cũng làm chậm tiến độ chung của cả công trình.
Cụ thể, khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ và dây điện hiện hữu sẽ được thu hồi, các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: trạm biến áp, thiết bị đóng cắt trung thế, tủ điện hạ thế, sẽ được tái bố trí ngay tại vị trí cũ dưới dạng trạm trụ thép. Trước khi tái bố trí, ngành điện sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, các phường, xã tổ chức tham vấn cộng đồng.
“Tham vấn cộng đồng là việc các ngành cùng UBND địa phương tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp với hộ dân và doanh nghiệp trong khu vực để vận động, giải thích ý nghĩa, lợi ích mà công tác ngầm hóa mang lại, nhằm đạt được sự đồng thuận của người dân trước khi tiến hành thi công và tái bố trí các trạm, tủ phân phối điện trên vỉa hè. Phần đông người dân rất đồng tình. Tuy nhiên vẫn còn một vài hộ gia đình vì nhiều lý do khác nhau, đã không đồng thuận. Có hộ khi tham vấn cộng đồng đã đồng ý, nhưng khi thi công thì không cho thực hiện, dẫn đến kéo dài thời gian tham vấn, thuyết phục, gây khó khăn cho công tác ngầm hóa. Trong tình huống đó, nếu vẫn không có sự đồng thuận, ngành điện buộc phải tiếp tục giữ lại trụ điện có treo trạm hiện hữu để việc cung cấp điện cho khu vực không bị gián đoạn. Công trình không thể hoàn thiện như thiết kế, mục đích nâng cao mỹ quan đô thị cũng không được trọn vẹn”, ông Hưng cho biết.
Việc giữ các tủ điện, trạm trụ thép sạch, đẹp sau ngầm hóa cũng là vấn đề quan tâm. Nhiều công trình vừa hoàn thành đã bị vẽ bẩn hay dán quảng cáo tự phát, làm mất mỹ quan đường phố. Cùng với việc kiến nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chung tay giữ gìn mỹ quan đô thị, EVNHCMC đang thí điểm triển khai ốp hộp đèn LED phục vụ tuyên truyền, quảng cáo xung quanh các trạm điện, tủ điện. Giải pháp này đang được thí điểm với kết quả rất khả quan vì nâng cao tính thẩm mỹ cho tủ điện, giúp đường phố ngày càng sạch đẹp hơn.
Để hoàn thành kế hoạch mà UBND TPHCM giao, EVNHCMC kiến nghị Ban chỉ đạo ngầm hóa tăng cường chỉ đạo cơ quan quản lý hạ tầng và các quận, huyện tích cực phối hợp và hỗ trợ giải quyết sớm khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án ngầm hóa. Bên cạnh đó, EVNHCMC phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường thông tin, tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích mà các dự án ngầm hóa mang lại để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong khu vực thi công. “Chúng tôi rất mong nhận được sự thông hiểu, đồng thuận của người dân trong công tác ngầm hóa, tất cả vì mục tiêu chung là đảm bảo cung cấp điện và dịch vụ viễn thông an toàn, ổn định, chung tay cải thiện mỹ quan đô thị trên mỗi tuyến đường của TPHCM”, ông Luân Quốc Hưng chia sẻ.