Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước cắt đứt quan hệ với các nhà đối tác EU do tình trạng quan liêu, thủ tục hải quan phức tạp, thuế VAT và thuế quan liên quan khiến giao thương với EU trở nên khó khăn.
Theo kết quả cuộc khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp do Phòng Thương mại Anh (BCC) công bố trong tháng 2, hơn 50% doanh nghiệp Anh cho rằng Brexit đã đẩy chi phí lên cao, tăng thủ tục giấy tờ và sự chậm trễ, đặt Vương quốc Anh vào thế bất lợi trong cạnh tranh. 71% các nhà xuất khẩu Anh tham gia cuộc khảo sát nhận thấy Hiệp định Thương mại và hợp tác (TCA) giữa EU và Anh không cho phép họ phát triển hoặc tăng doanh số bán hàng.
Các tổ chức kinh doanh hàng đầu của Anh phàn nàn rằng các doanh nghiệp đang cảm thấy mệt mỏi và thất vọng trước các quy tắc mới hậu Brexit. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ được cho là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, do khó thích nghi với các quy tắc hải quan và xuất khẩu áp dụng khi giao dịch với EU với tư cách là “nước thứ ba”.
Anh rời EU vào ngày 31-1-2020 nhưng vẫn còn hưởng các quy tắc thương mại của EU cho đến ngày 31-12-2020. TCA được áp dụng từ ngày 1-1-2021 khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc. Mặc dù TCA bao gồm mức thuế bằng 0 đối với hàng hóa di chuyển giữa Anh và EU, nhưng vấn đề phức tạp xung quanh các quy tắc xuất xứ đang tạo ra các vấn đề thương mại nghiêm trọng.
Hàng hóa có xuất xứ từ Anh và EU đủ điều kiện để được hưởng mức thuế bằng 0. Tuy nhiên, có những mức thuế tiềm năng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Anh và tái xuất khẩu. Ngoài ra, hàng nhập khẩu vào EU cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về sức khỏe, an toàn và môi trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu hoặc xuất khẩu sang EU cần phải nộp thuế VAT tại biên giới.
Thậm chí, từ ngày 1-1-2022, hàng hóa di chuyển giữa EU và Anh phải có tờ khai hải quan. Paul Alger, Giám đốc Kinh doanh quốc tế tại Hiệp hội Dệt may và thời trang Vương quốc Anh, khẳng định: “Hàng loạt các thủ tục hành chính và phí xuất nhập khẩu đã khiến các thương hiệu của Anh không thể có mặt ở châu Âu”.