Ngại sử dụng nước vì nhà máy cấp nước nằm cạnh nghĩa trang

Nhà máy nước sạch tập trung Cẩm Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng, song do nằm cạnh khu vực nghĩa trang nên người dân có tâm lý lo ngại, không dám sử dụng nguồn nước này để ăn uống. Thay vào đó, người dân phải vất vả đi mua từng bình nước lọc về sử dụng.

Công trình Nhà máy nước sạch tập trung Cẩm Nhượng tọa lạc ở địa bàn thôn Tân Hải, bên tuyến đường bộ ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng. Ngay phía sau nhà máy là khu vực nghĩa trang rộng lớn với hàng ngàn ngôi mộ. Nhiều năm nay, do tâm lý lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên người dân ở xã Cẩm Nhượng không còn sử dụng nguồn nước từ nhà máy này để phục vụ ăn uống.

F4d.jpg
Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng nằm cạnh nghĩa trang

Bà Hoàng Thị Lan (65 tuổi, trú xã Cẩm Nhượng), nhà cách Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng khoảng 600m, cho biết: “Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng xây dựng quá gần với khu vực nghĩa trang, người dân rất lo ngại về chất lượng nguồn nước không đảm an toàn vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe nên không dám sử dụng để ăn uống. Hàng ngày, để có nguồn nước sử dụng ăn uống, người dân địa phương đi mua nước lọc tinh khiết từ cơ sở sản xuất tư nhân với giá mỗi bình nhựa, can nhựa là 7.000 đồng; có người lên thị trấn Thiên Cầm, cách nhà khoảng 800m, mua và chở nước về nhà với giá mỗi can nhựa là 2.000 đồng. Ngoài ra, những hộ dân có điều kiện thì đầu tư mua sắm thêm máy lọc với giá từ 4-7 triệu đồng để lọc nguồn nước giếng khoan, giếng đào tại nhà sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, thông tin, Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng được triển khai xây dựng vào khoảng năm 1998, chủ yếu từ nguồn tài trợ của Đan Mạch. Theo thiết kế, công trình có công suất khoảng 2.000m³/ngày, cung cấp nước sạch tập trung cho hơn 2.000 hộ dân ở xã Cẩm Nhượng.

Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đến nay nhà máy đã bị xuống cấp trầm trọng, hệ thống bể chứa, máy súc rửa, thiết bị lọc nước, đường ống ngầm cũ kỹ, hoen gỉ, hỏng hóc nặng khó khắc phục, gây thất thoát nước... Thời gian qua, địa phương đã đầu tư kinh phí sửa chữa một số hạ tầng, thiết bị, máy móc và giao cho Tổ quản lý nước của xã vận hành nhưng hiệu quả rất thấp.

Sau đó, do không cân đối được nguồn kinh phí thu chi nên địa phương đã bàn giao nhà máy nước sạch này cho một hợp tác xã tự bỏ kinh phí đầu tư, quản lý và vận hành.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trước đây, Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng cách khu vực nghĩa trang khoảng 300-400m, người dân vẫn sử dụng nước để sinh hoạt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, khu vực nghĩa trang được nới rộng và chôn cất thêm nhiều phần mộ mới, phạm vi chỉ còn cách nhà máy nước sạch khoảng 30-40m. Nhà máy lại khai thác nguồn nước ngầm tại chỗ với độ sâu chỉ khoảng 6-8m nên người dân không sử dụng nguồn nước của nhà máy này để ăn uống, chủ yếu sử dụng để tắm rửa, giặt giũ quần áo, lau rửa sàn nhà.

“Địa phương đang kiến nghị, đề xuất lên cấp trên xúc tiến đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng dự án nước sạch Nam Thiên Cầm cho 6 xã vùng ven biển của huyện, trong đó có cấp nguồn nước sạch cho người dân ở xã Cẩm Nhượng sử dụng. Địa phương cũng mong muốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lại Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng hoặc xây dựng dự án nhà máy nước sạch mới, dự kiến kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của xã hiện rất khó khăn, không thể đảm bảo triển khai thực hiện được”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục