Ngày 26-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng dẫn đầu đoàn khảo sát tour “Quận Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” và “Quận Tân Bình - Biết bao điều thú vị”. Đây là một trong những sản phẩm du lịch được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ khách đến TPHCM dịp nghỉ lễ 2-9 cũng như từ nay đến cuối năm.
Nhiều du khách thực sự ngạc nhiên khi biết trên địa bàn quận Gò Vấp vẫn còn lưu giữ làng nghề đúc lư đồng truyền thống, hay cây vấp được xem như nguồn gốc địa danh và là biểu tượng, niềm tự hào của người dân nơi đây…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cùng đại diện đoàn tham quan trồng cây vấp - biểu tượng và niềm tự hào của người dân Gò Vấp. Ảnh : HOÀNG HÙNG Hiện tại, tour “Quận Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” đang được TSTtourist triển khai thực hiện.
Ngoài một số điểm tham quan nói trên, du khách cũng được tìm hiểu về Nhà thờ Hạnh Thông Tây do Ông Denis Lê Phát An (cậu ruột Hoàng hậu Nam Phương) cho xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu rất độc đáo; tham quan sân golf Tân Sơn Nhất, trải nghiệm tập golf cùng huấn luyện viên chuyên nghiệp.
“Đây là một trong những điểm nhấn, thu hút du khách đến TPHCM trong dịp nghỉ lễ 2-9. Bản thân chúng tôi khi triển khai sản phẩm này cũng cảm thấy rất tâm đắc và kỳ vọng khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến vùng đất này”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist cho hay.
Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, quận đang tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch và phối hợp với TSTtourist quảng bá rộng rãi đến với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Làng đúc lu đồng An Hội, quận Gò Vấp, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX đến nay nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công cực kỳ tinh xảo. Đối với quận Tân Bình, du khách sẽ có dịp tham quan “Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, một trong những địa điểm gìn giữ rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử về lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Khách được trải nghiệm làm nến thơm, tham quan chùa Giác Lâm - có tuổi đời hơn 300 năm với kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng và các thành viên trong đoàn trải nghiệm làm nến thơm tại quận Tân Bình. Ảnh: HOÀNG HÙNG Bên cạnh đó, du khách còn cơ cơ hội giao lưu với những cựu chiến binh, phóng viên chiến trường, nghe kể chuyện về thời đấu tranh oai hùng của dân tộc... Trong hành trình tour, du khách còn được vãn cảnh chùa Viên Giác có lối kiến trúc và trang trí Á Đông đẹp mắt, với ngôi tháp bằng ngói lưu ly cao nhất Việt Nam; đồng thời thực khách còn được thưởng thức bữa chay tại nhà hàng nổi tiếng...
Ông Trần Quang Duy, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt (đơn vị triển khai tour "Quận Tân Bình - Biết bao điều thú vị") cho hay, công ty liên tục làm mới, chuyên sâu các sản phẩm du lịch để đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Theo các nghệ nhân, nghề làm lư đồng cực kỳ vất vả, đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo của người thợ. Có 14 công đoạn được làm thủ công. Mỗi người thợ thường chỉ đảm nhận một công đoạn. Trước tiên là khâu tạo hình dáng cho lư, kế đến là làm khuôn ruột bằng loại đất sét chuẩn, không lẫn cát. Loại đất này thường được mua từ các tỉnh miền Đông Nam bộ (cán nhuyễn, trộn với trấu). Công đoạn tiếp theo là đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy - đây là khâu quan trọng, quyết định hình dạng lư đồng... Trong ảnh: Khách tham quan làng đúc lư đồng quận Gò Vấp Góp ý thêm về các sản phẩm du lịch trên địa bàn một số quận huyện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng khẳng định, du lịch TPHCM còn rất nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Nhất là khi các địa phương chủ động bắt tay cùng doanh nghiệp du lịch đánh thức tiềm năng sẵn có. Tuy vậy, việc quảng bá du lịch ở các quận, huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
“Mong rằng, trong thời gian tới, việc quảng bá và phát triển các sản phẩm mới sẽ được triển khai đồng bộ, bài bản hơn; giúp cho du lịch TPHCM luôn mới lạ, hấp dẫn trong lòng du khách”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
THI HỒNG